1. Tuyết cuộn

Hiện tượng này thường xuất hiện ở khu vực Bắc Mỹ và Bắc Âu, những nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện như độ dốc, độ ẩm của tuyết và gió đủ “khỏe” để làm "món kem cuộn" thế này.

HIện tượng này được hình thành khi gió quét trên bề mặt làm tuyết di chuyển và vón cục. Rồi sau đó, những cơn gió lại tiếp tục thổi và đẩy những khối tuyết lăn dần xuống dốc, tạo thêm nhiều lớp bao phủ bên ngoài. Nó cứ lăn mãi cho đến khi đạt đến kích thước khổng lồ mà gió không thể đẩy đi nổi nữa.
2. Núi lửa băng

Bạn đã từng chiêm ngưỡng cảnh tượng độc đáo như thế này bao giờ chưa? Cũng như vụ tuyết cuộn, hiện tượng thời tiết kì lạ này diễn ra ở khu vực Bắc Mỹ. Cụ thể là vùng ven bờ của những hồ nước mà bề mặt bị đóng băng.

Mỗi khi có gió nổi lên, nước tạt vào bờ và lớp băng lại có cơ hội được gia cố cho dày thêm. Dĩ nhiên chẳng có thứ gì là hoàn hảo cả. Tảng băng nào cũng có vài vết nứt. Sóng cứ xô mãi vào bên dưới lớp băng và tạo ra một lực đủ để phun trào qua các khe nứt. Nếu hôm nào tuyết rơi dày, phủ luôn mấy cái lỗ hổng ấy thì bạn sẽ được ngắm nghía cảnh tuyết phun mù trời mù đất hết sức ngoạn mục.
3. Băng hòn

Những tảng băng tròn vo này thường xuất hiện ở Nam Cực, Bắc Cực và ở cả khu vực Ngũ Đại Hồ nữa. Hiện tượng kì lạ này xảy ra khi những mảng băng bị vỡ ra khỏi các tảng băng lớn hoặc những tảng băng bao phủ mặt hồ nước vào mùa đông. Các mảng băng này được sóng đưa đi, những tinh thể băng tiếp tục được hình thành xung quanh chúng thành từng lớp một và cứ thế khối băng càng ngày càng lớn dần lên, tương tự như quả cầu tuyết hay hạt mưa đá vậy. Bên cạnh đó, những đợt sóng đẩy qua đẩy lại giúp cho khối băng dần dần có hình cầu.

Theo các nhà khoa học, điều kiện hình thành nên những “trái bóng băng” hết sức đặc biệt, bao gồm: mực nước nông và sóng nhỏ, kèm theo bề mặt đáy biển phải bằng phẳng không được dốc xuống đột ngột. Khi tất cả những yếu tố này kết hợp lại cùng một lúc, hiện tượng trên mới xảy ra.
4. Hoa sương giá

Hoa sương là tinh thể nước đá thường được tìm thấy ở những biển băng trẻ và các hồ băng mỏng. Hoa sương giá được hình thành trên biển băng mỏng khi không khí lạnh hơn nhiều so với lớp băng phía dưới. Thường chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt băng và không khí cần ít nhất là 15°C.

Điều kiện để hoa sương giá tiếp tục phát triển đó là bề mặt phải luôn ẩm ướt và không được đóng băng. Khi băng phát triển quá dày, bề mặt trên của băng sẽ lạnh đi rất nhanh và hoa sương giá không thể phát triển.
Điều này có nghĩa là hoa sương giá thường chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong năm và chỉ tồn tại trong vài ngày đầu tiên của quá trình hình thành băng.
5. Sương muối

Một trong những dấu hiệu đầu tiên của mùa đông là sương muối cuối thu. Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ, vật thể khi không khí ẩm và lạnh. Nó thường hình thành vào những đêm đông, trời lặng gió, quang mây. Tuy nhiên, sương muối không mặn mà chỉ trắng như muối, gần giống với lớp tuyết ở trong khoang lạnh của tủ lạnh.

Vào mùa thu, về đêm trời thường quang đãng, gió lặng, nhưng buổi sáng ta thấy những giọt nước long lanh đọng trên ngọn cỏ, lá cây. Đó là những hạt sương móc. Nếu nhiệt độ mặt đất giảm xuống đủ thấp, sương móc sẽ ngưng kết thành thể rắn, xốp, có màu trắng như muối nên gọi là sương muối. Sương muối thường chỉ tồn tại trong vòng 1 đến 2 tiếng trước khi Mặt trời mọc. Đây là loại sương có kết tủa đẹp nhưng lại rất độc, gây hại cho các loại hoa màu và cỏ cây mùa đông.
6. Những tảng băng đâm sầm vào bờ

Bạn hãy nhìn kỹ bức ảnh này mà xem. Bãi cỏ đã bắt đầu xanh và những tảng băng tiến hành “lấn chiếm” cả trên cạn. Điều này chỉ có thể xảy ra vào thời điểm cuối đông đầu mùa xuân mà thôi.

Khi khí hậu ấm dần lên, lớp băng trên mặt hồ sẽ tan dần ra. Chúng không còn là một khối liền nhau nữa mà vỡ thành nhiều mảnh. Việc bị phân chia thành từng mảng nhỏ hơn và mỏng hơn khiến cho chúng dễ bị tác động bởi gió và dòng chảy. Thỉnh thoảng vài em “tông” thẳng vào bờ và vỡ tanh bành là chuyện bình thường. Đối với vùng ven bờ của Đại Ngũ Hồ, hiện tượng chẳng phải là điều gì kì lạ.
7. Sấm tuyết
Sấm tuyết thường xảy ra ở những khu vực xung quanh hồ nước và ven biển. Ở những nơi này, ánh nắng Mặt trời có thể tạo ra nhiệt, hình thành các cột khí tương đối ấm áp và ẩm ướt, không ổn định, từ đó xuất hiện những đám mây hỗn loạn.

Nhưng những đám mây này nếu ở một mình không thể tạo ra sấm tuyết. Điều kiện để tạo ra sấm tuyết là lớp không khí giữa các đám mây và mặt đất ấm hơn so với lớp che phủ của tầng mây, nhưng vẫn đủ lạnh để tạo ra tuyết. Không chỉ vậy, hiện tượng này còn cần kết hợp với sức gió, giúp đẩy không khí nóng nhẹ lên trên, từ đó hình thành sấm tuyết.
Hầu hết các trường hợp tạo ra sấm tuyết đi kèm những cơn bão cực đoan, với cường độ gió cao, tia chớp nhẹ, cùng với mật độ tuyết rơi khá dày, khoảng 6 cm mỗi giờ.
8. Ảo nhật (Parhelia)

Ảo nhật hay Mặt trời giả là những điểm sáng xuất hiện cách Mặt trời khoảng 22 độ và có cùng một khoảng cách phía trên đường chân trời. Hiện tượng này đã được biết đến từ thời cổ đại và đôi khi được gọi là "đa Mặt trời".
Khi các tinh thể băng hình thành vòng hào quang, nó được định hướng một cách ngẫu nhiên, chúng hoạt động như một lăng kính theo tất cả các hướng. Và khi các tinh thể băng này "lọt" vào bầu khí quyển, nó có xu hướng rơi vào một liên kết theo chiều dọc, trong đó sẽ phản chiếu ánh sáng theo chiều ngang, lúc này, hiện tượng đa Mặt trời được hình thành.

“Ảo nhật” có thể được tạo ra khi Mặt trời ở bất kỳ vị trí nào trên bầu trời, nhưng thường được thấy rõ nhất khi Mặt trời ở vị trí thấp, gần đường chân trời nhất.
9. Mặt trăng giả (Paraselene)

Tương đương với ban ngày có hiện tượng “ảo nhật”, Mặt trăng giả là những điểm sáng xuất hiện ở vòng hào quang ban đêm (chiếc nhẫn Mặt trăng) có vị trí tọa độ khoảng 22 độ bên phải và 22 độ bên trái của Mặt trăng.

Nó xảy ra khi các tinh thể băng xếp thẳng hàng theo chiều dọc trong không khí và khúc xạ ánh sáng theo chiều ngang. Trong văn hóa dân gian, những "chiếc nhẫn Mặt trăng" được cho là để dự đoán các cơn bão và khi “Mặt trăng giả” xuất hiện, người ta tin là cơn bão sắp tới sẽ khá mạnh. Các “Mặt trăng giả” khó có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường vì ánh sáng của nó không đủ để kích hoạt các tế bào hình nón trong mắt của chúng ta.
10. Động đất băng giá (Frost quake)

Có nghĩa là những trận động đất hình thành do nước ngầm bị đóng băng, khi nhiệt độ xuống thấp đột ngột đến nỗi những dòng chảy ngầm phải đông cứng lại.

Trước khi mặt đất bắt đầu rung chuyển, nhiều người đã nghe thấy những tiếng nổ rất lạ và không biết phát ra từ đâu. Họ mô tả rằng âm thanh của nó không lớn, nhưng lại luôn rền rỉ. Và vài tuần sau mọi thứ bắt đầu nghiêng ngả tứ tung. Canada và Alaska là những nơi mà frost quake vẫn thường “ghé thăm” vào mỗi mùa tuyết rơi.