Bà con sống tại đoạn đường 17 (khu vực trường Lê Thánh Tôn, quận 7) chắc hẳn không còn quá xa lạ với hình ảnh một cụ ông già yếu, đầu tóc bạc phơ, tay chân run run, hằng ngày dốc hết sức lực đạp xe qua những nẻo đường để bán trái cây. Biết rõ hơn về hoàn cảnh của ông, người ta lại càng quặn lòng hơn.

>>> Xem thêm: Tiền Giang: Cụ ông U80 làm chủ vườn nguyệt quế trên 1.000 cây
Được biết, cụ ông năm nay đã 83 tuổi, nhà ông nằm ở đoạn đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Vốn bị mắc bệnh tim, sức khoẻ yếu nhưng mỗi ngày ông đều đặn đạp chiếc xe chở vài loại trái cây đi qua đoạn đường này để bán.

Trái cây được ông chở đi bán từ sáng sớm đến trưa, thời tiết nắng nóng nên trái cây từ tươi cũng thành nhanh héo. Khách mua trái cây phải tự lựa và tự cân, sau đó sẽ trả tiền cho ông, vì ông đã rất yếu nên không còn sức nói chuyện nhiều với khách. Mỗi khi có khách ghé ủng hộ hoặc gửi tặng tiền, cụ ông đều cầm bằng hai tay và lạy liên tục để bày tỏ sự biết ơn.

Cụ ông cho biết, ở nhà ông còn có người vợ cũng lớn tuổi và già yếu. Hằng ngày bà vẫn chờ đợi chồng đi bán về. Hai ông bà lủi thủi sống cùng nhau qua ngày, mong ước nhỏ nhoi của ông là có được một số tiền để hai vợ chồng được trở về quê sinh sống cùng nhau quãng đời còn lại. Tuy nhiên, vì cuộc sống còn khó khăn nên hai ông bà phải cùng nhau ở lại Sài Gòn sống lay lắt qua ngày.

Tương tự như cụ ông, một hoàn cảnh khác của cụ bà bán trái cây tại Sài Gòn cũng khiến nhiều người thương cảm. Đều đặn mỗi buổi chiều, bà con đi ngang qua đoạn đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà Bảy ngồi nép mình trên vỉa hè, bán những loại trái cây như mận, đu đủ, xoài hay mít…


Bà Bảy hằng ngày vừa phải buôn bán lấy những đồng lời ít ỏi để chi trả cho việc chạy thận 2 lần một tuần, vừa phải chắt chiu từng đồng phụ giúp con trai trả tiền trọ mỗi tháng. Hai cánh tay bà Bảy chi chít những vết bầm tím, thậm chí có những chỗ còn sưng phù vì dấu vết của mũi kim lấy máu để lại.

>>> Xem thêm: Được mua cho chiếc xe đạp mới, cụ ông 92 tuổi đã bật khóc

Hình ảnh gầy gò, ốm yếu của bà Bảy khiến nhiều chứng kiến không khỏi chạnh lòng. Nhiều người đi qua thấy bà ngồi buồn bã, khép nép nên thương tình ghé lại ủng hộ. Một số cho bà Bảy ít tiền, một số đưa dư tiền và không nhận tiền thối, số khác thì chia sẻ hoàn cảnh của bà lên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng, mạnh thường quân và các nhà hảo tâm.
Những hoàn cảnh của các cụ ông, cụ bà trong 2 câu chuyện trên thật khiến người xem xót xa. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên họ vẫn lao động miệt mài ở tuổi "gần đất xa trời". Mong rằng các ông bà sẽ có một sức khoẻ tốt và nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Còn bạn, bạn nghĩ sao về những cụ ông, cụ bà này? Chia sẻ ngay với Bestie nhé!
Xem thêm nhiều bài viết hay, hấp dẫn tại Bestie!
LÀM TỪ THIỆN THẾ NÀO CHO ĐÚNG CÁCH?
Từ thiện là giúp đỡ, làm những việc tốt xuất phát từ lòng thương người. Không phân biệt việc nhỏ hay lớn, có giá trị vật chất nhiều hay ít, miễn là việc thiện là được. Cách mà mọi người hay làm nhất là đóng góp bằng tiền bạc, tuy nhiên đó không phải là cách duy nhất. Nó sẽ tùy thuộc vào đối tượng nhận từ thiện, và chúng ta có những gì để cho. Mọi người có thể đóng góp những vật chất đơn giản. Không có vật chất, tiền bạc thì có thể góp bằng công sức.
Có thể đối với những hoàn cảnh thiếu thốn tiền bạc, bệnh tật thì việc tặng tiền để họ chữa bệnh là hoàn toàn hợp lý. Riêng đối với những người khó khăn mà có sức khỏe thì nên tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn, tìm đầu ra để họ yên tâm canh tác, tránh tình trạng “no dồn đói góp". Hãy luôn nhớ rằng, từ thiện hiệu quả là khi bạn cho họ "chiếc cần câu", chứ không phải là "con cá". Hãy là một nhà từ thiện sáng suốt và thông minh.