Ai cũng có những thói quen sai lầm trong sinh hoạt hàng ngày, và chúng không ít thì nhiều đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của chúng ta. Tất nhiên, nếu chúng ta nhận thức được điều đó và sửa đổi dần những cái gì không tốt thì đó là điều khuyến khích nên làm.
Nhưng có những thói quen chúng ta không nghĩ là có hại, thậm chí cho rằng đó là điều hiển nhiên, nhưng đó lại là thủ phạm âm thầm phá hủy sắc vóc và sức khỏe của chúng ta mỗi ngày. Hãy cùng xem bạn có nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó không.

>> Đọc thêm: Cô gái trẻ suýt điếc vì thói quen đeo tai nghe trong thời gian dài
Nhét ví tiền vào túi quần sau
Đối với nhiều nam nhân, vị trí thuận tiện nhất để cất giữ ví tiền chính là túi sau của quần. Tuy nhiên, chỉ cần ngồi trên một thứ gì đó cộm lên trong vòng 15 phút, dù chiếc ví của bạn ở trạng thái căng phồng hay xẹp lép, cũng đều khiến cho cơ thể bị nghiêng qua một bên trong vô thức.
Tình trạng ngồi lệch một bên diễn ra thường xuyên sẽ khiến cho cột sống dần dần bị lệch. Ngoài việc khiến cơ thể mất cân đối, nó còn có khả năng gây ra bệnh đau lưng, đau dây thần kinh tọa, vẹo cột sống...

>> Bạn biết chưa: Cứ chống cằm, cúi đầu bấm điện thoại... bảo sao gương mặt mãi O-line
Ăn quá nhanh
Theo một nghiên cứu của Bác sĩ Takayuki Yamaji, thuộc Đại học Hiroshima, Nhật Bản, việc nhai và nuốt thức ăn quá nhanh có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nghiêm trọng như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, và tăng cân không kiểm soát.
Thông thường, từ lúc cắn miếng đầu tiên, chúng ta mất khoảng 20 phút để não bộ truyền đi tín hiệu thông báo chúng ta đã no. Nhưng vì tốc độ ăn quá nhanh nên não bộ không kịp truyền đi thông tin này, vì thế chúng ta có xu hướng tiếp tục ăn nữa ăn mãi mà không biết mình đã no.

Rửa tay bằng nước nóng
Chúng ta có quan niệm rằng nước nóng sẽ giúp diệt vi khuẩn hiệu quả, nhưng không hẳn là như thế. Chỉ có nước sôi mới diệt vi khuẩn nhanh chóng, đó là lý do vì sao các dụng cụ y tế được luộc kỹ trước khi sử dụng. Nhưng chúng ta không thể rửa tay bằng nước sôi, trong khi đó nước nóng sẽ làm cho da mềm, càng dễ nhiễm vi khuẩn hơn.
Đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy chỉ cần rửa tay bằng nước lạnh trong vòng 20 giây cũng loại bỏ được vi khuẩn, vì thế nhiệt độ của nước không phải là yếu tố quá quan trọng. Vì thế, để cho chắc chắn, chúng ta cần rửa tay với xà phòng kháng khuẩn và không cần thiết phải rửa bằng nước nóng.

>> Chuyện lạ: Cô gái trẻ rửa tay 50 lần 1 ngày vì lý do giật mình không ai ngờ đến
Ghiền máy sấy tay
Có thể những chiếc máy sấy tay trong các nhà vệ sinh công cộng đem đến cảm giác hong khô tay nhanh hơn và làm sạch vi khuẩn hiệu quả hơn nhờ hơi nóng nó tỏa ra, nhưng đó chỉ là cảm giác. Thực tế, máy sấy chính là công cụ làm lây lan vi khuẩn trong nhà vệ sinh ra khắp nơi.
Chính vì hoạt động theo cách thức thổi gió nên máy sấy sẽ thổi vi khuẩn bay vào không khí, bám vào quần áo, điện thoại, đặc biệt là bàn tay của chúng ta vì chúng hứng trực tiếp dưới luồng gió của máy sấy. Vì thế, cách an toàn nhất vẫn là lau tay theo cách truyền thống: dùng khăn giấy.

Biết được những thói quen sai lầm của mình là một chuyện, có đủ kiên trì để thay đổi hay không lại là chuyện khác. Hy vọng rằng chúng ta đều tạo cho mình những thói quen tốt và bỏ dần những thói quen xấu, bởi vì bệnh tật cũng một phần là từ thói quen hàng ngày mà ra. Hãy sống khỏe, sống tốt, và đừng quên theo dõi những tin tức sức khỏe hàng ngày trên Bestie nhé.
Rửa tay bao lâu thì sạch?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, chúng ta cần rửa tay trong vòng ít nhất là 20 giây. Đó là thời gian đủ để loại bỏ hầu hết vi khuẩn bám trên tay. Nếu rửa vội vàng, chúng ta chỉ càng làm vi khuẩn lây lan.
Nếu không thể canh đúng thời gian cho mỗi lần rửa tay, chúng ta có thể vừa rửa vừa hát nhẩm trong đầu bài Happy Birthday 2 lần, đó là thời gian tương đương với 20 giây.
Chúng ta nên rửa tay vào những thời điểm sau: trước, trong và sau khi nấu ăn, đặc biệt với thịt cá; sau khi đi vệ sinh; sau khi chạm vào rác; sau khi chơi hay chăm sóc vật nuôi; sau khi ho, hắt hơi hay xì mũi; trước và sau khi chăm sóc vết thương; sau khi chăm sóc người bệnh; trước và sau khi ăn uống; sau khi về đến nhà.
Nếu không có xà phòng diệt khuẩn, có thể dùng nước rửa tay với 60% độ cồn để thay thế, nhưng nó không hiệu quả bằng rửa tay theo đúng quy cách với xà phòng.