Trên bề mặt đồ dùng bằng nhựa thường có ký hiệu hình tam giác mũi tên đuổi theo, ở giữa có đánh số từ 1 - 7. Ý nghĩa của ký hiệu có số này là để xác định loại nhựa và khả năng tái chế của nó. Hiểu được 7 ký hiệu của 7 loại nhựa này sẽ giúp bạn dễ dàng phân loại các vật dụng từ nhựa theo đúng mục đích sử dụng, từ đó có phương án tái sử dụng hợp lý để không gây hại cho môi trường.

7 loại nhựa theo phân loại của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ASTM:
Số 1 – PET (Polyetylen Terephthalate)
PET được xem là một trong những loại nhựa được sử dụng phổ biến nhất, từ chai nước, hộp đựng thức ăn và một số dạng bao bì đều là loại nhựa này. Những vật dụng làm từ PET chỉ được sử dụng một lần vì rất khó để làm sạch và khử trùng, việc sử dụng nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ hòa tan hóa chất và kim loại nặng trong chúng.
Tuy chỉ dùng được một lần nhưng may mắn là nhựa PET có thể tái chế, bằng cách cắt nhỏ thành từng mảnh, nghiền nát rồi trải qua quá trình xử lý để tiếp tục trở thành những vật dụng bằng nhựa PET mới. Ngoài ra nhựa tái chế cũng có thể được kéo thành sợi polyester, dùng trong sản xuất hàng dệt may như thảm, quần áo, bông nhồi, …
>> Xem thêm: Bí mật đằng sau chai nhựa đựng nước các nhà sản xuất đều giấu kín
Số 2 – HDPE (Polyetylen mật độ cao)

Đặc điểm của nhựa HDPE là rất cứng và không bị biến đổi khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng lạnh của môi trường hoặc dưới ánh nắng mặt trời. Nhờ đó, bạn có thể bắt gặp vô số đồ vật từ bình đựng sữa, bình đựng hóa chất, thùng rác, ghế nhựa, bàn ăn, … cùng những sản phẩm đòi hỏi có độ bền cùng khả năng chống chịu cao được làm từ HDPE. Đây là loại nhựa tái chế thông dụng nhất và được xem là một trong các dạng nhựa an toàn nhất, vì thế nên bạn có thể tái sử dụng và tái chế nhựa HDPE nhiều lần.
Số 3 – PVC (Polyvinyl Clorua)
PVC với các đặc tính mềm, dẻo, khả năng chống chịu nhiệt tương đối tốt và thường được sử dụng để sản xuất màng bọc thực phẩm, đồ chơi cho trẻ em, chai nhựa cùng vô số bao bì cho các sản phẩm tiêu dùng khác. Bên cạnh đó, nhựa PVC cũng là vật liệu quen thuộc dùng làm vỏ cáp máy tính, ống dẫn nước, lưới che, … PVC được liệt vào loại nhựa dẻo độc hại và không thể tái chế.
>> Đừng bỏ lỡ: Hiểm họa khôn lường từ việc dùng đồ nhựa để đựng thức ăn
Số 4 – LDPE (Polyetylen mật độ thấp)

LDPE được dùng để sản xuất túi may khô, túi nhựa bọc, một số quần áo và đồ nội thất. Đây là loại nhựa tương đối an toàn và ít độc hại hơn các loại nhựa khác. Sau khi tái chế, nhựa LDPE được dùng làm ván giả gỗ, lót thùng rác và gạch lát sàn. Tuy nhiên, không phải lúc nào sản phẩm từ nhựa LDPE cũng có thể được tái chế.
Số 5 – PP (Polypropylen)
Với đặc tính rất cứng và nhẹ, nhựa PP có khả năng chịu nhiệt rất tốt và thường được sử dụng trong sản xuất tã dùng một lần, thùng, nắp chai nhựa, hộp đựng thực phẩm, ống hút, dây thừng và băng keo, … Nhựa PP được xem là an toàn khi tái sử dụng. Sau khi tái chế, nhựa PP được dùng làm vỏ pin, chổi nhựa, thùng đựng và khay nhựa.
Số 6 – PS (Polystyren)
Đây là loại nhựa có giá rẻ, nhẹ và đáp ứng được nhiều mục đích sử dụng. Nhựa PS vừa có thể làm cốc uống dùng một lần, hộp đựng thức ăn, dao kéo nhựa, bao bì xốp, … Vừa có thể làm tấm lót sàn cho sàn gỗ trong xây dựng nhà ở. Đây là loại nhựa kém an toàn đối với sức khỏe lẫn môi trường sống, vì vậy bạn hãy chú ý hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa có ký hiệu số 6 nhé.
Số 7 – Những loại nhựa khác (BPA, Polycarbonate và LEXAN)

Nhựa số 7 được dùng để sản xuất các vật dụng như bình sữa cho bé, bình nước mát hoặc phụ tùng ô tô. Nhựa số 7 không được tái sử dụng trừ một số trường hợp đặc biệt. Đây cũng là loại nhựa kém an toàn và bạn nên tránh sử dụng, đặc biệt là các mục đích liên quan đến trẻ em.
>> Có thể bạn quan tâm: Không phải tất cả đồ nhựa đều có thể tái sử dụng nhưng rất ít bà nội trợ để ý đến điều này
Tóm lại, nhựa có ký hiệu số 1, 2 và 4 là lựa chọn an toàn hơn cả. Bằng cách hiểu các mã phân loại này, bạn có thể sử dụng nhựa theo đúng nhu cầu và mục đích của mình, nhờ đó giảm thiểu các vấn đề sức khỏe có thể gặp phải do dùng vật dụng từ nhựa kém an toàn và tránh gây ảnh hưởng xấu lên môi trường sống. Nếu được, hãy thay thế vật dụng từ nhựa bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường, có thể phân hủy nhanh và tái sử dụng được nhiều lần.
Nguồn ảnh: Pixabay
Cùng đón đọc các tin tức mới nhất trên Bestie.vn!
15 sản phẩm nhựa bạn có thể thay thế "ngay và luôn" trong hôm nay để cứu nguy cho trái đất
Nói đến vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiều người trong chúng ta cứ hay nghĩ xâu xa nhưng thật ra ai cũng có thể chung tay giúp bảo vệ hành tinh xanh này ngay từ những hành động nhỏ nhất của chính mình. Thế nên, thay vì cứ nghĩ đến những hành động to tát thì bạn có thể thay đổi ngay 15 vật dụng hàng ngày này trong chính ngôi nhà của mình để góp phần cứu nguy cho trái đất bạn nhé!
Bạn có thể bắt đầu từ việc đơn giản như hãy giảm thiểu chai nhựa bằng cách thay đổi thói quen và sử dụng xà phòng cục. Thẻ thành viên, thẻ giảm giá hay quần áo từ vải tổng hợp... cũng là sản phẩm hạn chế sử dụng.
Xem thông tin chi tiết TẠI ĐÂY!