Những năm trước, trong bất cứ một tang lễ của người nổi tiếng nào, việc các fan cuồng hay người dân tụ năm tụ bảy đứng chờ trước cửa nhà để chụp ảnh, xin chữ ký đã gây biết bao tranh cãi, phẫn nộ trong dư luận. Đến năm 2019, cứ nghĩ là xã hội sẽ ngày càng hiện đại, ý thức con người sẽ ngày càng cao hơn thì hoá ra sự thật lại còn nghiệt ngã, đáng buồn hơn.
Tại tang lễ của nam diễn viên Anh Vũ, hàng loạt các thiết bị máy quay, điện thoại chuyên nghiệp livestream khắp tất cả mọi nơi, có người còn cười đùa, chụp ảnh tự sướng, còn có cả những đám đông cười nói gây mất trật tự. Các hội, nhóm này tác nghiệp bất kể sáng, trưa, chiều, tối (thậm chí còn có cả người thay ca như trong ekip chuyên nghiệp), nhất quyết bám trụ tại nhà và khu vực xung quanh nhà nam diễn viên xấu số để livestream không bỏ sót bất cứ tình tiết nào. Từ điện thoại, chân máy, sạc dự phòng... tất cả được chuẩn bị sẵn không thiếu một thứ gì.

Chỉ cần mở Youtube lên, bạn sẽ thấy hiện ngay trên phần "Thịnh hành" là khoảng 10 video về nam diễn viên Anh Vũ. Người ta có thể cắt, dựng, livestream rất nhiều clip về nam diễn viên. Bởi cộng đồng mạng đều nghĩ một cách vô cùng đơn giản, tại sao những video clip nhảm nhí, không cần được đầu tư gì nhiều về nội dung, chỉ cần lượt view cao trên Youtube là họ đã có thể nhận đến cả hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Bởi các chủ shop bán hàng online nghĩ, chỉ cần mình đăng một cái gì đó được nhiều người xem thì Facebook mình sẽ kéo đến hàng nghìn lượt follower, kết bạn mới, mình sẽ càng dễ bán hàng hơn. Những người hiếu kỳ lại nghĩ, họ có thời gian, họ rảnh rỗi, họ có thể quay livestream để những người ở xa cũng có thể theo dõi đám tang của nam diễn viên được. Tất cả đều là miễn phí mà đổi lại được là tiền, là sự nổi tiếng, là mở rộng khách hàng tiềm năng, có sao đâu mà không làm?

Nam diễn viên, MC Đại Nghĩa đau đớn chia sẻ một bài viết khá dài trên trang cá nhân:
Lần nào cũng như thế, đám tang một nghệ sĩ nào đó là dịp để thiên hạ kéo đến xem mặt người nổi tiếng với thái độ hiếu kỳ và phấn khích. Nhớ hồi đám tang anh Minh Thuận, tôi bước vào mà cứ tưởng mình đang đi... thảm đỏ của một sự kiện hoành tráng nào đó. Mọi người chực chờ xung quanh đông nghẹt, tôi bước đi giữa tiếng reo hò vang dội, tiếng gọi tên mình xôn xao, ánh đèn flash của điện thoại chớp loá lập loè. Thật sự cảm giác của một ngôi sao tràn ngập. Đi giữa khung cảnh đó thấy... buồn và tủi vô cùng.
Nghệ sĩ cả đời cống hiến cho mọi người, và ngay cả giấy phút đã nằm xuống vẫn còn phải tiếp tục cống hiến. Cống hiến cho sự tò mò, hiếu kỳ đến tàn nhẫn, cống hiến cho cái vô tâm đế bạc bẽo, cống hiến cho sự thoả mãn trong phút chốc mình được cận kề cái nổi tiếng của người khác. Thật tàn nhẫn.
Có rất rất nhiều người bằng cách nào đó để len lỏi vào đám tang, họ vô tư đi từng bàn để xin chụp hình cùng nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ lúc đó có ai mà vui, gương mặt buồn bã ấy vẫn bị níu kéo áp sát mặt của người muốn chụp hình đang nhe nanh cười nhăn nhở. Tôi cũng bị vậy và tôi đã thẳng thừng từ chối một cách dứt khoác cái sự trơ trẽ đến trâng tráo ấy.
Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, hiện đại nhưng cách hành xử của chúng ta hoàn toàn không được như thế. Vẫn rất nhiều người vô tư vô tâm và cả... vô văn hoá khi biến đám tang của người khác thành một dịp hồi hè hoặc kiếm chác của mình. Nhìn người đồng nghiệp của mình còn đang nằm đó, bao lời tiếc thương còn chưa đủ, vậy cớ sao những người kia lại có thể đùa vui hớn hở đến như thế. Họ có thể đưa ngón tay hình chữ V để chụp hình, họ có thể kiếm tiền từ các clip họ quay trên nỗi đau của người khác như thế được?
Ngày mai sau khi quay xong, chắn chắn tôi sẽ phải đến để chào anh lần cuối. Và tôi nói trước, bất kỳ ai đến níu kéo hay để xin chụp hình thì đừng trách vì sao tôi trở mặt.
Phấn khích khi được nhìn thấy nghệ sĩ nổi tiếng ở ngoài đời có lẽ là cảm xúc chung của nhiều người nhưng phải phân biệt nghệ sĩ đó đang ở trong hoàn cảnh nào, địa điểm nào. Mọi người làm như vậy rốt cuộc cũng chỉ xem nghệ sĩ là "thứ mua vui", "tiêu khiển", "để trầm trồ", để ào đến chụp hình đăng Facebook cho oách, cho câu like. Cô gái ngày hôm qua đăng ảnh tự sướng trong tang lễ của nam diễn viên Anh Vũ, bắn tim" trước cáo phó đã vội vàng gỡ bài trên Facebook cá nhân nhưng không rõ cô gái ấy có cảm thấy xấu hổ hay không? Còn những đám đông khác tiện thời cơ móc túi, họ cười, họ nói, họ tự biến mình thành những "phóng viên hiện trường" yêu nghề.
Diễn viên Ngọc Lan bức xúc: "Khi thời đại 4.0 lên ngôi, khi mà người ta chẳng cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần lượt view cao là họ có thể chiễm chệ mỗi tháng nhận 400 - 500 triệu, thì đây, hệ quả của việc này là đây, những con kền kền đang chực chờ để kiếm tiền. Có tàn nhẫn quá không các bạn? Đồng tiền rót về tài khoản của các bạn mỗi tháng vì những chiêu trò như thế này các bạn ăn có ngon miệng không?".

Nếu thật sự là một người yêu mến nghệ sĩ Anh Vũ, chắc chắn bạn sẽ biết không chỉ nam diễn viên này mà những con người làm nghệ thuật chân chính đều chọn cho mình một cuộc sống bình lặng, chứ không phải là những hào quang chói nhoà. Nếu thật sự đau xót cho sự ra đi của nam diễn viên Anh Vũ, bạn phải biết cần để yên cho người nghệ sĩ ấy thanh thản ra đi. Nếu thật sự thương xót cho nam diễn viên thì bạn chỉ cần đến viếng trong im lặng, trong sự chia sẻ và còn phải để yên cho người nhà của diễn viên được lắng niềm đau mà còn sống tiếp.
Đồng ý rằng, xã hội bây giờ đang xoay theo nhịp dịch chuyển 4.0. Nhưng để một xã hội phát triển bền vững, con người ta buộc vẫn phải sống với nhau, đối nhân xử thế bằng trái tim. Mọi thứ có thể số hoá, có thể 4.0 nhưng chắc chắn đám tang thì không bao giờ được tổ chức hay định dạng theo kiểu 4.0. Hãy là một con người sống ở thời đại 4.0 nhưng trái tim vẫn đầy tình người, vẫn nồng ấm bạn nhé. Hãy là một người sống ở thời 4.0 với một khối óc không bị lập trình vô cảm.