Tuy sở hữu khối tài sản "kếch xù" nhưng hầu hết họ không để con cái phụ thuộc vào tiền bạc. Họ dạy con cách chi tiêu tiết kiệm, độc lập tài chính thậm chí là biết tự kiếm tiền bằng những việc làm thêm của chính mình.
Giáo dục con cái biết cách kiếm tiền, làm việc nhà
Dravya Dholakia, con trai duy nhất của ông chủ công ty kinh doanh và xuất khẩu kim cương lớn nhất Ấn Độ Hare Krishna Diamond đã tới thành phố Kochi, bang Kerala theo yêu cầu của người cha. Ở đây, Dravya Dholakia phải tự xin việc kiếm sống trong vòng một tháng. Anh lên đường với ba bộ áo quần và 7.000 rupee (khoảng 2,2 triệu đồng). Số tiền này chỉ được dùng trong trường hợp khẩn cấp. Ba điều kiện của tỷ phú đưa ra với con trai là phải làm việc và kiếm tiền, không được làm một nơi quá một tuần, không được giới thiệu mình là con của tỷ phú và không được sử dụng điện thoại di động.

Sau 5 ngày con trai của ông không thể xin được việc và rất nản, nhưng sau đó, anh được nhận làm trong một tiệm bánh, rồi tới nhân viên trực điện thoại và cửa hàng bán giày, thậm chí là bồi bàn ở cửa hàng bán thức ăn nhanh. Trong một tháng, anh chỉ kiếm được 60 USD (khoảng 1,3 triệu đồng). Chia sẻ về lý do muốn cậu "quý tử" phải bươn chải, ông cho hay: “Tôi muốn con trai tôi nếm trải cuộc sống và biết được người nghèo vất vả như thế nào để xin việc và kiếm tiền. Không một trường đại học nào có thể dạy bạn những kỹ năng cuộc sống này".
Jim Koch, tỷ phú ngành bia là một trong những ông bố khuyến khích con cái tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Con gái của ông từng làm công việc múc kem với mức lương 7 USD/giờ, và mọi người chỉ biết cha cô là tỷ phú khi nghe một người bạn kể lại.
Cô con gái 12 tuổi của "bà trùm" bất động sản Barbara Corcoran làm việc 2 giờ mỗi tuần tại một spa dành cho chó. Công việc của cô bé là làm sạch những chú gà và đưa chó đi dạo. Gần đây, cô bé đã được nâng mức lương từ 10 USD/giờ lên 12,50 USD/giờ và trở về nhà hãnh diện khoe với mẹ. Barbara chia sẻ: “Cho những đứa trẻ sớm làm quen với việc tự lập quan trọng hơn việc chỉ ngồi học trên ghế nhà trường".

Tỷ phú Larry Ellison là nhà đồng sáng lập và kiêm cựu chủ tịch của tập đoàn công nghệ quốc tế Oracle. Ông có hai đứa con với người vợ thứ 3 và những đứa trẻ này dĩ nhiên trở thành con của tý phú. Nhưng trái ngược với những đứa con xuất thân giàu có, thì ông càng không muốn chúng tiếp xúc quá nhiều với tiền bạc từ sớm. Ngay từ nhỏ chúng đã được người bố của mình giáo dục cách tiêu vặt vặt 5 USD mỗi tuần, và phải tự làm việc nhà mà không có người giúp việc.
Không cần đứng đầu lớp
Bên cạnh gia sản khổng lồ của mình, Jack Ma còn là ông bố của các con mình, vì vậy vị tỷ phú này rất chú trọng vào cách giáo dục con cái. Không giống như các nhà tỷ phú khác, Jack Ma từng phát biểu về chuyện học hành của con khiến nhiều người bất ngờ: “Con không cần nằm trong top 3 của lớp, top giữa cũng được, miễn sao điểm của con không quá thấp. Chỉ có những học sinh ở tầm trung mới có thời gian rảnh để học các kỹ năng khác”.

Theo ông việc đứng đầu lớp không phải là vấn đề quan trọng, dành thời gian để học thêm những kỹ năng bên ngoài sẽ có ích hơn rất nhiều. Điều này đi trái lại với nhiều gia đình Trung Quốc vì họ luôn coi trọng điểm số nhưng ông thì dạy con rằng: "Làm bài tập vẫn là điều cần thiết nhưng đừng để điều đó quyết định số phận của con. Hãy học những kỹ năng mới, theo đuổi niềm đam mê trong thời gian rảnh".

Trong sinh nhật lần thứ 18 của con trai, Jack Ma gửi tặng con trai 3 lời khuyên: “Thứ nhất, luôn nghĩ cho bản thân và nhận định vấn đề một cách độc lập. Thứ hai, luôn lạc quan - sẽ có nhiều vấn đề nhưng luôn có nhiều cách giải quyết. Thứ ba, nói sự thật, đặc biệt là với cha của con”. Hay ông cũng gửi lời khuyên đến các bạn trẻ ở tuổi 25 đừng sợ khi phạm lỗi: “Đừng lo lắng! Ngã rồi bạn sẽ đứng lên, hãy tận hưởng điều đó! Bạn mới 25 tuổi, hãy tận hưởng quá trình này!”.
Mark Cuban: Thể hiện tình yêu thương và để con cái sống với tuổi thơ như những trẻ bình thường
Mark Cuban là chủ hãng phim Magnolia, chủ tịch công ty cáp viễn thông HDNet và là một trong những tỷ phú của Mỹ. Trong một lần chia sẻ trên tờ Forbes ông nói: “Các con tôi vẫn nhỏ, cháu lớn nhất mới hơn 10 tuổi. Chúng tôi đang làm hết khả năng để chúng có ý thức và thái độ đúng mực. Nhưng đúng là tôi luôn có nỗi sợ rằng chúng sẽ lớn lên với cảm giác mình là người được phục vụ, được ưu tiên”.
Ông và vợ mình luôn cố gắng để giáo dục con một cách thoải mái vì muốn chúng được như những đứa trẻ bình thường nhất có thể. Mark Cuban đưa ra lời khuyên dành cho bậc phụ huynh: “Hãy dành nhiều thời gian nhất có thể ở bên con. Chúng tôi không cần người giúp việc vào cuối tuần vì chúng tôi có thể tự làm mọi thứ bằng khả năng của mình như bất cứ gia đình nào khác".


Mark Cuban là ông bố rất tình cảm và thường hay thể hiện hành động yêu thương với các con của mình. Ông luôn ôm hôn con vì nghĩ rằng đó là cách thể hiện tình cảm với những đứa nhỏ. Vào những ngày cuối tuần, vợ chồng tỷ phú thường tổ chức những buổi dã ngoại, cùng con cái nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm. Mark Cuban cũng ít khi giáo dục con cái bằng đòn roi hay chửi mắng nhưng luôn có cách dạy chúng trong tầm kiểm soát của mình.
Chuck Feeney: Không điện thoại và thẻ tín dụng hay tài khoản mua sắm
Chuck Feeney là tỷ phú giàu thứ 23 trên thế giới, đồng sáng lập ra chuỗi cửa hàng bán lẻ miễn thuế lớn nhất thế giới. Với phương châm: “Sống để làm việc, chứ không phải để làm giàu”, ông luôn là một trong những tấm gương sáng về lối sống giản dị và tiết kiệm. Tuy sở hữu một gia tài đồ sộ nhưng ông dành hầu hết số tiền của mình để làm từ thiện và dạy các con phải biết “keo kiệt” với chính mình. Được biết ông đã gửi hết số tiền của mình có được đến các tổ chức từ thiện như: trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, tổ chức nhân quyền...
Ông dạy những đứa con của mình biết cách coi trọng đồng tiền và quản lý chặt chẽ mọi chi tiêu trong cuộc sống. Ông gợi ý các con nên đi làm việc vào các kỳ nghỉ hè để kiếm thêm thu nhập. Chuck Feeney đề ra nguyên tắc: Con trai Patrick bán kem và luôn tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về ngân sách. Các con gái chuyển tới New York và tự trang trải các chi phí nằm ngoài khoản trợ cấp cần thiết của bố. Nếu như các con của ông nợ các khoản tiền về điện thoại thì ông sẽ ngắt điện thoại quốc tế và đặt một chiếc bản đồ thành phố New York trên tường phòng khách, trên đó khoanh tròn khu vực sẽ được chi trả khi gọi đi.


Bà Suniya Luthar, giáo sư về tâm lý giáo dục tại Đại học Columbia Columbia đã thực sự nghiên cứu về ảnh hưởng của những cha mẹ đại gia lên con cái họ. Nghiên cứu của bà cho thấy những đứa trẻ có cha mẹ với thu nhập trung bình (125.000 đến 130.000 USD) có tỷ lệ trầm cảm cao gấp đôi mức trung bình quốc gia. Bà cho rằng điều này vì bố mẹ không quan tâm hoặc thay vì dành thời gian chất lượng với con cái lại lao vào việc kiếm tiền.
Dưới đây là lời khuyên của bà để nuôi dạy những đứa con tốt khi gia đình bạn khá giả:
- Đừng bao bọc con quá. Trẻ phải học về hậu quả và nếu bạn luôn giúp con mọi thứ như không bao giờ bị điểm kém ở lớp hay thanh toán mọi hóa đơn thẻ tín dụng, chúng sẽ không thể học hỏi về giá trị cuộc sống.
- Đừng quá khắt khe: Có sự khác biệt giữa việc bố mẹ nói: "Con cần làm hết khả năng của mình", và "Con lại không được vào đội bóng à?"...
- Đừng nhắm mắt làm ngơ khi con phung phí tiền bạc hay thể hiện sự lạm dụng vật chất.
- Luôn giao tiếp mở. Hãy quan tâm và trò chuyện nhiều với con. Đừng vội gắn mác con là hư hỏng hay nhầm lẫn giữa "hư" với những cơn giận của trẻ do tổn thương, sợ hãi và cô đơn. Hãy quan tâm tới các điều cụ thể, nho nhỏ trong cuộc sống của con và con sẽ cảm thấy gần gũi với bạn cũng như với thực tế cuộc sống hơn.
Vậy mới thấy rằng việc nuôi dạy con cái của các tỷ phú quả thực không giống như số đông người từng nghĩ. Việc để con cái sống cuộc đời tự lập, tự trải nghiệm và cảm nhận sự quan trọng của đồng tiền cũng như công sức mình cần bỏ ra để có nó, đấy mới thực sự là điều quan trọng.
Ảnh: TCBC