02/16/2019 10:29

Rằm tháng Giêng, cứ làm những việc này thì cả năm may mắn, nghênh đón thần tài

Hạnh Nguyên - Theo thethaovanhoa.vn Hạnh Nguyên

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Nếu muốn may mắn ùa về, cả năm phú quý hưng thịnh thì gia chủ hãy lưu ý những điều dưới đây.

Trao đổi trên Dân trí, T.S Đinh Đức Tiến, Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc”.

Người Việt Nam rất coi trọng ngày này, chính vì thế các gia đình thường rất cẩn trọng khi sắm lễ cúng, tuy nhiên không phải cứ sắm nhiều đồ hoặc cần “mâm cao cỗ đầy” mới mang lại nhiều tài lộc, đôi khi chính những hành động xuất phát từ tâm sẽ giúp gia chủ gặp may mắn, làm ăn phát đạt trong năm mới.

Đi lễ chùa

Những việc nên làm trong ngày rằm tháng Giêng để cả năm may mắn

Người ta thường đi lễ chùa trong ngày rằm tháng Giêng với mong muốn được bình an, may mắn và khỏe mạnh, công việc cả năm hanh thông. Tuy nhiên, khi đi lễ chùa, mọi người cần lưu ý, ăn mặc nghiêm trang, kin đáo. Quan trọng nhất, phải có thái độ thành tâm, bình thản, không mong cầu những thứ vật chất xa hoa phù phiếm..

Làm việc thiện

Làm việc thiện không chỉ giúp mang lại niềm vui cho người khác, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà còn khiến bản thân mỗi người tìm được sự bình yên trong tâm hồn. Cuộc sống nhờ thế mà cũng trở nên ý nghĩa hơn.

Không cần phải đi thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa, nhiều người chọn cách cúng dường tam bảo ở chùa, giúp đỡ những người già cả, tàn tật... xung quanh khu mình sống hoặc mua ủng hộ vé số, tham gia những chương trình tình nguyện, hiến máu tại địa phương...

Phóng sinh

Những việc nên làm trong ngày rằm tháng Giêng để cả năm may mắn

Vào ngày rằm tháng Giêng, người ta thường phóng sinh cá chép, cá cảnh, chim sẻ, chim ri, bồ câu, cua, lươn, ốc, rùa... Đồng thời, nên chọn nơi vắng vẻ, không có người săn bắt để đảm bảo khi thả ra, các loại động vật đều có thể sinh sống được.

Khi phóng sinh, cũng cần hết sức lưu ý, nếu phóng sinh cá, hãy chờ cá bơi khuất rồi đi về. Không nên cầm cả xô, hay túi ni lon vứt ra ao, hồ, sông, suối...

Dọn dẹp bàn thờ

Để có một năm bình an, các gia đình nên lau dọn bàn thờ gia tiên. Tuy nhiên, cần lưu ý không xê dịch bát hương và nên thắp một nén hương khấn xin Thần linh Thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng Rằm tháng Giêng trước khi bắt tay vào dọn ban thờ.

Khi làm vệ sinh, nếu có bài vị của thần Phật thì lau trước, sau đó mới lau bài vị của tổ tiên. Kiêng lau bài vị của tổ tiên trước vì làm ngược lại sẽ là bất kính, mạo phạm với thần Phật. Gia chủ cũng lưu ý, khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì nên dùng nước ấm, không nên dùng nước lạnh.

Chuẩn bị đồ cúng lễ

Những việc nên làm trong ngày rằm tháng Giêng để cả năm may mắn

Vào ngày này, việc cúng thần Phât, gia tiên là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, mọi người cần chuẩn bị đồ cúng lễ cho chỉn chu. Khi chuẩn bị đồ cúng lễ, gia chủ nên mua hoa tươi để dâng ban thờ, không nên dùng hoa quả giả. Vào ngày này, mọi người thường lựa hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng để dâng ban thờ. Về quả thì chọn những loại trái cây có màu sắc tươi tắn, thơm ngon.

Ngày rằm tháng Giêng các gia đình có thể sắm hai lễ: Lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên.

- Lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả tươi, nếu cần có thể có xôi, chè chay...

- Lễ cúng gia tiên cũng gồm có hương hoa, đèn nến và kèm thêm trầu cau, rượu, chè trôi nước và mâm cỗ.

Nếu làm hai lễ thì phải để riêng. Hoa quả, lễ Phật thì để ở ban trên, còn đồ cúng gia tiên thì nên kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương. Gia chủ không nên để chung đồ lễ mặn, chay, hoa quả trên ban thờ, hoặc dùng lẫn lộn đồ cúng.

Nên dùng đồ mới để cúng

Các đồ dùng để đựng các lễ cúng Phật, cúng gia tiên như bát, đĩa, đũa, thìa... cần phải sử dụng những đồ mới, hoặc đồ riêng biệt. Kiêng dùng những đồ đã dùng chung, sẵn với các việc khác trong gia đình bởi, đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp.

Lưu ý khi thắp hương

Những việc nên làm trong ngày rằm tháng Giêng để cả năm may mắn

Khi thắp hương, người ta thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Do đó, có thể thắp 1, 3, 5, 7 hoặc 9 nén hương trên mỗi bát hương. Các chuyên gia phong thủy khuyên nên thắp 3 nén cho bát hương thờ Phật, những bát hương còn lại thắp 1 nén để khói hương không gây ngột ngạt và phòng tránh hỏa hoạn.

Khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, đứng đắn. Tuyệt đối không được mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm... Khi khấn cần phải liền mạch, thành tâm cúng bái nhằm thể hiện sự tôn trọng với các vị phật, thần linh và tổ tiên.

"Ngày mai là rằm, mặc đồ mới cho nó đẹp."

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho rằng từ một ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Hoa, rằm tháng Giêng đã trở thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người Việt, thấm nhuần Phật pháp. Trọng tâm của hội rằm tháng Giêng tại các chùa là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Tuy nhiên đạo Phật không ép buộc phải cúng lớn, mâm cao cỗ đầy cũng không cổ súy việc đốt vàng mã quá nhiều, vừa phí phạm lại ô nhiễm môi trường, quan trọng là ở cái tâm của người cúng mà thôi.

Bài viết liên quan

Video có thể bạn quan tâm
Stylist Kye Nguyễn: Ngọc Trinh rất hiền và không có đời tư phức tạp"
Scroll to top