Những ngày này, dường như trong bất kì bức ảnh hay bình luận nào trên mạng, sẽ không khó để bắt gặp những câu nói với mô típ quen thuộc như “chủ tịch giả làm công nhân bị người yêu khinh và cái kết”, “chủ tịch giả vờ phá sản thử lòng cấp dưới và cái kết”…




Hầu hết mọi người đều cảm thấy khá hài hước bởi câu nói này gần như có thể áp dụng trong rất nhiều tình huống với độ hợp lý cao. Tuy nhiên, cũng không ít người cảm thấy có phần khó chịu khi đâu đâu cũng thấy những câu nói kiểu này.
Ai không hiểu thì sẽ thắc mắc ở đâu lại "rơi xuống" nhiều chủ tịch tập đoàn, nhiều thiếu gia, đại gia, ông chủ thế. Rồi băn khoăn nối tiếp băn khoăn, người ta lại tò mò sao những vị chủ tịch, giám đốc lại "rảnh" thế, suốt ngày đi giả nghèo giả khổ thử lòng nhân viên.
Tuy nhiên, lần theo nguồn gốc thì trào lưu này được bắt nguồn từ những trang mạng xã hội của Trung Quốc. Sau đó, các bạn trẻ Việt đã “ăn theo” khiến nó trở nên hot hơn bao giờ hết.
Hầu hết, các clip có liên quan đến "chủ tịch" đều có nội dung na ná nhau: Một người giả nghèo giả khổ cố tình tạo ra một tình huống nào đó để thử lòng ai đó. Và đến cuối cùng, khi người kia đã bộc lộ bản chất thật của mình thì người nghèo khổ này liền tiết lộ danh tính thật của mình. Từ đó, người xem có thể rút ra bài học đó là "đừng bao giờ coi thường người khác".
Từ những bộ phim, clip hài tràn lan trên mạng xã hội như thế, giờ đây ở bất cứ đâu cũng có thể bắt gặp kiểu câu nói này. Độ phủ sóng của nó rộng đến nỗi trở thành câu cửa miệng của không ít người, đi đến đâu cũng thấy truyền tai nhau chủ tịch này, chủ tịch kia.
Không thể phủ nhận độ hài hước, gây cười của trào lưu hot này, nhưng trên thực tế, đằng sau mỗi câu nói, mỗi video lại là một bài học thấm thía về cuộc sống. Chúng dạy ta cách đánh giá 1 người không phải thông qua việc “trông mặt mà bắt hình dong”. Có những người tuy lúc trước họ chưa giàu nhưng không phải là sẽ không giàu hay nếu bạn không yêu người ta vì chính bản thân họ mà chỉ vì tiền thì sẽ không nhận được cái kết tốt đẹp.
Mặc dù là trào lưu có tính gây cười, có tính đúc kết bài học, tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá lạm dụng bởi sự thiếu sáng tạo cũng như vận dụng khiên cưỡng vào hoàn cảnh nào đó sẽ chỉ mang lại sự phản cảm mà thôi.
Ảnh: Facebook