Nghỉ Tết cũng là dịp nhu cầu đi lại của các gia đình tăng cao, nếu không về quê thì sẽ đi du lịch, đi chúc Tết, đi chơi... Việc di chuyển nhiều, cùng với sự thay đổi môi trường sống, chế độ sinh hoạt, ăn uống... bố mẹ nên lưu ý chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết, quần áo cũng như "bỏ túi" một số loại thuốc cho bé thiết yếu phòng khi trẻ đổ bệnh.
Một số vấn đề có thể gặp khi đưa bé đi chơi Tết
Sẽ thật “bất công” cho bé nếu chỉ vì bố mẹ lo lắng sợ con không an toàn hoặc ngại vì phải mang theo nhiều đồ dùng lỉnh kỉnh mà hạn chế đi chơi. Cứ để bé thoải mái theo gia đình với những chuyến đi chơi, thăm ông bà theo đúng tập tục truyền thống.
Tùy thuộc vào mức độ xa hay gần, ngắn hay dài của từng chuyến đi mà mẹ cần lên kế hoạch thật chu đáo cho con. Việc lập danh sách những đồ dùng cần thiết cần mang theo sẽ giúp cho mẹ tránh bỏ sót những đồ dùng cần thiết cho con, đặc biệt với những chuyến đi xa. Lập danh sách cũng giúp mẹ chủ động trong việc chăm sóc con, đỡ bị cập rập và lại có thể kiểm soát được những đồ dùng trong chuyến đi.

Một số vật dụng không thể thiếu mẹ cần mang theo
- Tã: Khi ra ngoài, bạn nên thay tã cho bé sau mỗi tiếng và nên mang dư tã để phòng khi cần
- Khăn ướt dùng để thay tã mà còn để lau tay khi bị bẩn
- Dung dịch sát khuẩn dùng để rửa tay sau khi thay tã cho bé, những lúc không có khu vực rửa tay
- Thảm thay tã hoặc miếng lót sử dụng một lần
- Túi ni lông hoặc túi tự hủy để đựng tã và quần áo bẩn của bé
- Bình sữa nếu bạn cho bé bú bình
- 1-2 bộ quần áo dự phòng, yếm ăn cho bé
- Núm vú giả hoặc 1-2 món đồ chơi để dỗ dành bé

Những vật dụng y tế bố mẹ cần mang theo khi đưa con đi chơi xa
- Cặp nhiệt độ
Thân nhiệt trẻ nhỏ thường không ổn định nên một chiếc cặp nhiệt độ mang theo là hết sức cần thiết. Loại cặp nhiệt độ điện tử (đo tai hoặc đo trán) sẽ là sự lựa chọn tiện ích nhất vì khả năng đo nhanh và chuẩn.

- Thuốc hạ sốt
Trẻ có thể sốt bất thình lình và nếu không có thuốc hạ sốt ngay bên cạnh, bố mẹ sẽ khó có thể đi mua thuốc cho trẻ giữa đêm, đang trên tàu xe hoặc đúng ngày mùng 1 Tết. Các loại thuốc hạ sốt an toàn cho bé như Paracetamol, dạng bột hoặc siro... cần được chuẩn bị sẵn trong nhà và mang theo khi đưa bé về quê ăn Tết. Bên cạnh đó, để đề phòng bé bị nôn ói khi uống thuốc, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị thêm loại thuốc hạ sốt dùng qua đường hậu môn.
- Thuốc trị côn trùng cắn
Khi thay đổi môi trường, nhất là về quê, trẻ sẽ dễ bị dị ứng chỉ vì một vết muỗi cắn hay côn trùng đốt. Khi đó, mang theo thuốc trị côn trùng sẽ giúp bố mẹ "xử lý" ngay các vết côn trùng đốt cho trẻ, giúp giảm ngứa và da trẻ nhanh lành trở lại.
- Một số vật dụng khác
Chẳng hạn như bông băng, gạc y tế, bình xịt mũi... đề phòng trong các trường hợp trẻ nô nghịch nhiều bị xước tay chân hoặc ra ngoài gió bị sổ hay nghẹt mũi.
Một vài lưu ý bố mẹ cần ghi nhớ

- Không cho bé ra ngoài khi nhiệt độ quá lạnh
Thân nhiệt của em bé sơ sinh chưa hoàn chỉnh như người lớn, vì thế bé sẽ khó điều chỉnh thân nhiệt để phù hợp với nhiệt độ bên ngoài. Vào ngày Tết, nếu nhiệt độ quá thấp, bé dễ bị cảm lạnh và viêm đường hô hấp.
- Mặc quần áo và quấn khăn kín gió cho bé
Trẻ sơ sinh do sức đề kháng còn yếu nên khi ra ngoài, mẹ cần cho bé mặc quần áo đủ ấm và giữ kín cổ, đeo tất chân, tất tay. Nhớ đội mũ, quàng khăn, có thể thêm chiếc khăn voan trùm đầu và che mặt để tránh gió thốc vào mặt bé.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh
Do sức đề kháng của trẻ còn yếu, dễ nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh. Thế nên, tránh cho trẻ lại gần những người đang mắc các bệnh về viêm đường hô hấp, bệnh lây nhiễm qua da.
Đưa bé đi chơi Tết cùng gia đình sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị không chỉ với bé mà còn là với mọi thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, nếu mọi chuyện diễn ra không đúng theo kế hoạch thì bạn cũng nên bình tĩnh giải quyết, không cần phải quá lo lắng làm ảnh hưởng không khí 3 ngày Tết. Đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu để cả gia đình có những cuộc dạo chơi hoàn hảo hơn vào những lần kế tiếp.