Ấn Độ

Phụ nữ Ấn Độ luôn tự hào về trang phục truyền thống của mình mang tên Sari. Loại trang phục này không chỉ đẹp mà còn ẩn chứa bề dày truyền thống văn hóa. Trang phục Sari là một mảnh vải đơn có chiều dài từ 5 đến 12 mét. Hai mảnh Sari thể hiện đẳng cấp của người mặc, tầng lớp bình dân thường để trơn. Những gia đình giàu có và khá giả thường phô trương bằng chất liệu ren tỉ mỉ hoặc thậm chí là đính đá quý.
Màu sắc của Sari ngày càng đa dạng và phong phú, độ tinh xảo và tỉ mỉ như một tác phẩm nghệ thuật rất đẹp mắt. Những trang sức cầu kỳ càng khiến trang phục Ấn Độ thêm ấn tượng và đặc sắc.
Nhật Bản

Những bộ kimono nổi bật với một lớp vải định hình vòng eo, bộ lễ phục này mang đến sự uyển chuyển cho người mặc. Hoa hay hình ảnh các ngôi chùa cũng được khắc họa cho bộ kinono thêm phần thú vị và nổi bật hơn. Bên cạnh đó, kiểu tóc của các cô gái Nhật cũng rất đặc trưng khi diện quốc phục này.
Hàn Quốc

Ngày lễ lớn nhất trong năm của Hàn Quốc chính là Tết cổ truyền, hay còn gọi là Seollal - ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành. Khi năm cũ qua đi và năm mới tới, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau và thực hiện những nghi lễ truyền thống.
Hanbok là loại trang phục nhiều màu sắc tươi sáng, thường được làm từ vải oganza truyền thống hay chất liệu vải lụa, satin, vải thô xen lẫn các họa tiết được thêu hình hay hoa bằng tay tinh xảo. Đây là loại trang phục có thể che kín cơ thể, giúp người mặc cử động thoải mái nhưng vẫn thể hiện được nét đẹp tinh tế và quyến rũ của người phụ nữ sau mỗi bước đi. Nhiều ngôi sao Hàn Quốc cũng yêu thích quốc phục dân tộc và thường xuyên diện trong các sự kiện trọng đại.
Myanmar

Trang phục truyền thống của phũ nữ Myanmar là Thummy. Thummy được chia làm 2 phần là áo có thể dài hay ngắn tay tùy người và váy dài suông cắt may vừa vặn cơ thể. Màu sắc sặc sỡ và hoa văn họa tiết dân tộc cũng là nét nổi bật trong thiết kế của Myanmar.
Đặc biệt, khi diện quốc phục người Myanmar thường lựa chọn dép lê, thậm chí là đi chân trần. Ngày nay, nhiều cô gái cũng sử dụng Thummy linh hoạt hơn khi kết hợp áo và váy khác màu nhau.
Thái Lan

Tên của trang phục truyền thống Thái Lan là Phasin, nhưng tùy theo người mặc và hoàn cảnh mà loại trang phục này biến hóa khác nhau. Đặc điểm cơ bản của trang phục truyền thống của người Thái là không may vừa sát người. Bộ trang phục gồm hai hay ba mảnh vải, may thành hình ống được quấn quanh lưng và gấp mép ở rốn. Phasin có thể để trơn hoặc thêu nhưng thường có màu sắc nhẹ nhàng.
Indonesia

Kebaya lại là trang phục biểu tượng của Indonesia. Với phần riềm cổ được làm cao nhằm tôn lên vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ. Chất liệu ren bay bổng đem lại sự uyển chuyển mỗi khi người phụ nữ Indonesia di chuyển.
Kebaya gồm một chiếc áo ôm sát cơ thể, cổ áo trước mở rộng, tay áo dài, chất liệu mỏng nhẹ như tơ lụa hay cotton mỏng... kèm theo đó là những họa tiết hoa lá được in hoặc dệt trên vải. Kebaya truyền thống còn có một dải vải choàng stagen bằng chất liệu batik khoác lên áo. Áo được buộc bằng trâm cài đầu - kerongsang. Kerongsang bằng vàng và được xem là biểu tượng cho tầng lớp quý tộc. Thông thường, Kebaya được mặc với váy kain - một dải vải gồm nhiều nếp xếp li sống động quấn quanh phần cơ thể từ eo xuống dưới.
Campuchia

Sampot là trang phục truyền thống của đất nước Campuchia. Sampot thường là một miếng vải dài khoảng 3 mét và rộng 1 mét, được quấn xung quanh thắt lưng, kéo dài ra và kết lại bằng một nút thắt, nút thắt sau đó được kéo lên giữa hai chân rồi được cố định bởi một thắt lưng bằng kim loại.
Sampot gần giống với một chiếc quần hơn là váy và đó là đặc điểm riêng biệt không đất nước nào có được. Với trang phục Sampot thì cả nam và nữ ở đất nước Campuchia đều dùng được.
Lào

Sinh là trang phục truyền thống của phụ nữ Lào - một chiếc váy ống đơn giản, được làm bằng lụa, tơ dệt họa tiết tinh tế cũng như thêu ren tinh tế. Váy Sinh thường được dệt công phu ở chân. Họa tiết dân tộc cũng là điểm nhấn chính trên nền các màu sắc sặc sỡ của một bộ Sinh ngày Tết. Gam màu như nâu, đỏ, vàng thường được sử dụng.
Việt Nam

Chiếc áo dài từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa của người con gái Việt, và phụ nữ Việt mặc áo dài trong bất kỳ dịp đặc biệt nào. Vào ngày Tết Nguyên Đán, phụ nữ, trẻ con thường mặc những bộ áo dài với màu sắc tươi tắn, rực rỡ và có ý nghĩa mang lại may mắn và hạnh phúc như màu vàng, màu đỏ...
Chất liệu gấm được nhiều người lựa chọn vì sự sang trọng và phù hợp trong dịp Tết. Áo dài được cách điệu theo mỗi vùng miền tùy theo sở thích của người mặc nhưng vẫn giữ gìn được vẻ đẹp duyên dáng, nền nã thể hiện sự kín đáo nhưng đầy quyến rũ của người con gái Việt.
Ngoài Việt Nam ta thì ở châu Á vẫn còn một số quốc gia như trên giữ phong tục đón Tết cổ truyền. Thông thường ngày đầu năm mới, mọi người đều nô nức lựa chọn những trang phục đẹp và ấn tượng nhất để diện trong dịp Tết. Và bên cạnh những thiết kế mang dòng chảy của thời trang, trang phục truyền thống cũng được nhiều phụ nữ lựa chọn. Những bộ quốc phục này luôn thể hiện văn hóa và bản sắc của các nước, mặc dù ở mỗi quốc gia lại có những đặc trưng và phong cách riêng.