Theo quan niệm dân gian thì mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Mâm ngũ quả được bày vừa để cúng tổ tiên, tri ân cội nguồn vừa thể hiện được ước muốn có một năm mới ấm no và đầy đủ hơn của gia chủ.

Mâm ngũ quả là mâm quả gồm 5 loại trái cây với 5 màu sắc nhau khác tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Tùy theo từng vùng miền với các loại trái cây và nét văn hóa đặc trưng riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.
Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết ở ba miền
- Mâm ngũ quả miền Bắc: Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành trong văn hóa phương Đông: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ nên mâm ngũ quả phải phối theo 5 màu tương ứng: trắng, xanh, đen, đỏ, vàng. Không quan trọng nhiều hay ít, các gia đình thường sắm đủ các loại quả thuận theo ý nghĩa và sắp xếp, bài trí chúng xen kẽ với nhau để đẹp mắt là được. Thông thường, mâm ngũ quả ở miền Bắc có 5 loại quả gồm: chuối, bưởi, đào, quýt, hồng.
Hiện nay, các loại trái cây khá đa dạng và nhiều người cũng không còn quá cứng nhắc "ngũ quả" nữa nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn và có thể tăng lên thành bát, cửu, thập quả... Nhưng dù bày biện bao nhiêu loại quả thì người ta vẫn gọi đó là mâm ngũ quả. Cách bài trí mâm ngủ quả truyền thống là nải chuối tiêu xanh ở dưới cùng đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi, xung quanh là những loại quả khác được bày xen kẽ.

- Mâm ngũ quả miền Trung: Miền Trung là vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước thường xuyên phải gánh chịu bão lũ, hạn hán, cộng với việc đất đai cằn cỗi nên ít cây trái. Chính vì vậy, người dân miền Trung không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả bày trong ngày Tết, thường là có gì cũng nấy miễn là tươi ngon để thành tâm dâng kính tổ tiên. Các loại quả thường có trong mâm ngũ quả miền Trung là: thanh long, chuối, dứa, dừa, mãng cầu, cam, dưa hấu...
- Mâm ngũ quả miền Nam: Các loại hoa quả ở miền Nam khá phong phú, nhưng người dân nơi đây vẫn thường chọn 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài để bày mâm ngũ quả với mong muốn "Cầu sung vừa đủ sài". Ngoài ra, mâm ngũ quả có có thêm chân đế là 3 quả dứa (trái thơm) thể hiện sự vững vàng, mong muốn con cháu đầy nhà. Đặc biệt, trên bàn thờ ở các gia đình miền Nam thường bày thêm cặp dưa hấu "xanh vỏ, đỏ lòng" tượng trưng cho lòng trung nghĩa của người phương Nam.

Những sai lầm cần tránh
- Không hiểu ý nghĩa quả: Thông thường, mâm ngũ quả được nhiều gia đình chưng với 5 màu: đen, đỏ, xanh, trắng và vàng tương đương với màu ngũ hành. Và trên mâm không thể thiếu nải chuối, nhất là nải chuối còn xanh tượng trưng cho hành Mộc. Bên cạnh đó, nải chuối khi được đặt trên mâm ngũ quả cũng được mọi người cho rằng là bàn tay bao bọc che chở, thể hiện sự sung túc, đùm bọc. Với hành Thổ, người ta thường chưng quả bưởi màu vàng ở giữa nải chuối. Tương tự với các hành còn lại là dưa hấu cho hành Hỏa, quả đào cho hành Kim và mận, hồng xiêm cho hành Thủy.
Tuy nhiên, ở miền Trung và Nam quan niệm về mâm ngũ quả có hơi khác một chút. Đa phần các gia đình không chưng theo ngũ hành mà quan tâm tới ý nghĩa hơn. Do đó, họ thường chưng mỗi loại quả theo một ý nghĩa riêng. Thông thường một mâm ngũ quả của người Trung và Nam phải đáp ứng được yếu tố “Cầu-sung-vừa-đủ-xài” tương đương với các loại quả là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Nhưng nhìn chung, mâm ngũ quả đều có ý nghĩa là cầu cho cuộc sống no đủ, bình an và phát đạt.

- Rửa quả sạch sẽ trước khi bày lên mâm: Nhiều người thường có thói quen rửa sạch quả trước khi bày lên mâm để sạch sẽ và trông đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn là sai lầm bởi quả sẽ sớm bị héo hoặc thối ở những chỗ đọng nước. Vì vậy, việc chưng quả sẽ không được lâu. Để tránh tình trạng này, hoa quả mua về chỉ nên dùng khăn giấy lau sạch là được, đối với bưởi có vỏ ố vàng hay mốc xanh, bạn nên dùng khăn thấm vào nước vôi sạch và lau sơ bên ngoài, tránh việc rửa với nước làm cho quả bị hỏng.
- Chọn quả chín đẹp: Theo thường lệ, mâm ngũ quả phải được chuẩn bị từ trước đêm 30 Tết nên chúng ta thường phải mua quả từ trước đó nhiều ngày. Tuy nhiên, việc chưng mâm ngũ quả không chỉ để chưng ở Mùng 1 mà còn phải kéo dài sang những ngày sau đó. Vì vậy, nếu chọn những quả vừa chín thì khi chưng đến được tầm 30 hoặc Mùng 1 là quả đã héo và không còn đẹp nữa. Để có được mâm ngũ quả tươi và đầy đặn trong những ngày Tết, bạn nên chọn những loại quả vừa chín tới.
Dù cho mâm ngũ quả ngày Tết ở mỗi vùng miền được bài trí khác nhau nhưng đều là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, đều thể hiện sự thành kính hướng về tổ tiên và mong muốn có một năm mới an khang, hạnh phúc, may mắn và bình an. Với quan niệm "có thờ có thiêng có kiêng có lành" thì bạn cũng nên chú ý một chút tới việc bài trí mâm ngũ quả sao cho thật tươm tất để cầu mong một năm mới an bình, hạnh phúc cho gia đình mình bạn nhé!