Không ai thích trách mắng, trừng phạt trẻ con, nhưng đôi khi đó lại là một điều cần thiết. Thế nhưng người lớn nhiều khi không thể kiểm soát được cảm xúc và trách mắng trẻ “sai thời điểm, sai không gian” làm trẻ tổn thương và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Các lời khuyên của cố nhân dưới đây có thể giúp bạn tránh những điểm sai sót như vậy.

Lòng tự trọng của trẻ con nhìn cứ ngỡ không có gì nhưng thực tế nó lại vô cùng lớn. Một khi lòng tự trọng của con bị tổn thương, trẻ thường có xu hướng chán chường, tuyệt vọng. Vậy nên, bậc cha mẹ tuy có quyền trách mắng con trẻ nhưng nếu làm không khéo, đôi khi lại phản mục đích ban đầu là “giúp trẻ tốt hơn”.

Sáng sớm
Đã bao giờ bạn tỉnh dậy vào sáng sớm và tự nhủ: “Hôm nay sẽ là một ngày mệt mỏi”? Và trong suốt cả ngày, bạn cảm thấy đúng thật, mình chẳng còn năng lượng để làm gì cả. Vậy thì tại sao lại làm tâm lý trẻ đè nặng lên cả một ngày bởi những lời trách mắng?

Nhiều chuyên gia khoa học đã chỉ ra rằng, cảm xúc và tâm trạng vào buổi sáng quan trọng không kém bữa sáng của bạn. Cha mẹ cần giúp trẻ có được tinh thần sảng khoái và vui vẻ để nghênh đón ngày mới. Tuyệt đối không được lựa chọn buổi sáng để trách mắng, phê bình trẻ.
Khi ăn cơm
Nhiều bậc làm cha làm mẹ có thói quen cứ đến bữa cơm là phê bình con cái, thậm chí cả “cộng dồn” những lỗi lầm hiện tại và trước đó của con để trách mắng. Điều này không chỉ làm không khí bữa ăn bị nặng nề mà còn khiến trẻ ăn không ngon và trở thành nổi thống khổ của trẻ khi giờ cơm đến.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng khi trách mắng hay phê bình con, thái độ cần nghiêm túc, đúng mực, chú ý tới thời điểm, giao tiếp với bé bằng ngôn từ thông qua sắc mặt, ngữ điệu, ánh mắt… để bé cảm nhận được thái độ nghiêm túc của bạn, từ đó hiểu được mức độ sai của mình.
Khi cha mẹ buồn bực, cáu kỉnh
Khi cha mẹ nổi nóng, buồn bực, cáu kỉnh thường có xu hướng buông những lời nói cay nghiệt làm tổn thương trẻ sâu sắc. Không chỉ vậy, hình tượng cha mẹ gương mẫu cũng sứt mẻ ít nhiều trong mắt con cái.

Khi phát sinh xung đột trực tiếp
Rất dễ để đẩy một cuộc nói chuyện đi đến những xung đột trực tiếp, nhất là khi các bậc phụ huynh chờ đợi trẻ quá lâu trong tâm trạng bị ức chế. Không ít cha mẹ đã không kìm được cơn nóng của mình đã cho trẻ “ăn roi” mặc dù có thể phần lỗi không đến từ con mình mà có thể xuất phát những yếu tố xung quanh. Bị xử phạt khi chưa hiểu tại vì sao lại bị phạt đó quả thực là một oan ức của trẻ. Quan trọng hơn là vấn đề bạn giúp trẻ nhận ra bài học của mình khi vi phạm lỗi như vậy. Cùng ngồi xuống và nói chuyện với con để tháo gỡ vấn đề vào sáng hôm sau nhé!

Dưới đây là 7 thời điểm cha mẹ tuyệt đối nên tránh trách mắng trẻ:
- Trước mặt đông người.
- Trẻ đã biết lỗi, hổ thẹn.
- Trẻ đang buồn ngủ hoặc vào ban đêm.
- Lúc đang bữa ăn.
- Lúc trẻ đang vui mừng.
- Lúc trẻ đang lo lắng, buồn rầu.
- Lúc trẻ bị ốm, mệt người.
Việc dạy bảo và phê bình con cái là quyền lợi và nghĩa vụ của cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng không thể làm điều này ở bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào mình muốn.