Đã bao giờ bạn say sưa kể một câu chuyện mà bản thân rất tâm đặc nhưng chợt tẽn tò nhận ra người nghe nãy giờ chính là người kể cho bạn câu chuyện đó? Nếu có thì yên tâm, rất nhiều người cũng từng ít nhất một lần mắc phải điều này giống bạn. Khoa học thậm chí còn “chỉ mặt đặt tên” hiện tượng kì lạ này là Cryptomnesia.
1/ Hội chứng Cryptomnesia
Cryptomnesia có thể tạm dịch là "ký ức ẩn giấu" - khi một phần ký ức đột nhiên biến mất. Bạn sẽ vẫn nhớ được những thông tin đó vì nó gây ấn tượng mạnh đến não bộ, nhưng tổng thể ký ức, bao gồm cả việc ai là người kể cho bạn thì không nhớ ra. Điều này dẫn đến tình cảnh bẽ bàng, khi chuyện thì kể như đúng rồi, trong khi đứa bạn ngồi nghe có một vẻ mặt rất thâm thúy mà không hiểu tại sao.

Nghe thì có vẻ vui vui nhưng cần cẩn thận với hội chứng này. Có rất nhiều người mắc Cryptomnesia mà đã vô tình “đạo nhái” một điều gì đó và phải nhận cái kết đắng. Các nghiên cứu cho thấy, trong một số trường hợp, kẻ cắp không hề nhận ra đang cướp công người khác bởi họ là những kẻ trộm “vô tình”. Theo các nhà tâm lý, những người ăn cắp ý tưởng mà không ý thức được việc mình làm là do mắc hội chứng Cryptomnesia, gây nhầm tưởng một ký ức nào đó là ý tưởng sáng tạo nguyên bản. Hội chứng này có thể xảy ra trong trường hợp các bản nhạc kinh điển bị tố đạo nhái hay một bác sỹ tuyên bố tìm ra phương pháp mới dù nó đã được sử dụng nhiều năm trời.
Có một ví dụ điển hình cho việc “vô tình” đạo ý tưởng này đó là trường hợp của tay guitar Jimmy Page thuộc ban nhạc Led Zeppelin bị tố đạo bài “Taurus” của Randy Wolfe (thuộc ban nhạc Spirit, kém nổi tiếng) để đưa vào ca khúc lừng danh “Stairway to Heaven”. Tại phiên toà ở Los Angeles (Mỹ), các chuyên gia âm nhạc khẳng định sự giống nhau đáng kinh ngạc của hai ca khúc. Page thừa nhận có album của Spirit và ban Led Zeppelin từng chơi lại một tác phẩm của Spirit, nhưng “Taurus” thì anh mới nghe. Điều đó khiến nhiều người tin rằng Jimmy mắc hội chứng “ký ức ẩn giấu” và phản đối việc tòa ra phán quyết anh ta đạo nhạc.

2/ Giải mã hội chứng “ký ức ẩn giấu”
Các thông tin khi được lưu vào não sẽ được cất vào cùng một nơi và sau đó tách ra. Hệ thống kép này giúp nhớ lại các thông tin một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đôi khi việc nhớ lại gặp trục trặc. Chẳng hạn như câu chuyện ở trên, bạn vô tình kể lại một câu chuyện đã được người khác nói trước đó hay bất ngờ bạn nảy ra một ý tưởng mới, nhưng thực chất nó từng được người khác nêu ra. Đó là khi ký ức tình tiết bị quên.

Không có gì phẫn nộ bằng việc bạn nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời hoặc một giải pháp lý tưởng nhưng lại bị người khác đánh cắp, hớt tay trên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kẻ trộm ý tưởng thậm chí không nhận ra rằng họ vừa làm chuyện tồi tệ, khó chấp nhận đó.
Nhà tâm lý Elizabeth Loftus, Đại học Washsington cho biết “Hầu hết chúng ta luôn có những ký ức được ngụy tạo mà không hề hay biết”. Bà Karen Corrigan - nhà sáng lập hãng quảng cáo Happiness Brussels - thừa nhận thực tế này: “Nó xảy ra và xảy ra rất thường xuyên. Các chuyên gia thiết kế ý tưởng - vốn thường xuyên nghiên cứu các quảng cáo trước đó - thường ghi nhớ chúng một cách vô thức và sau đó đưa ra những ý tưởng tương tự”.
Cơ thể người vốn rất kỳ lạ, đặc biệt là não bộ và hệ thống tâm lý phức tạp trong nó. Chính cái sự kỳ lạ này đã khiến 99% chúng ta mắc phải những thói quen rất quái dị mà có thể chính bản thân bạn cũng không nhận ra đâu. Đơn cử như hội chứng Cryptomnesia này chẳng hạn. Dù quái lại nhưng Cryptomnesia vẫn không gây hại về tinh thần hay thể xác của người bệnh nặng nề như các hội chứng tâm lý khác. Nhưng cũng đừng coi thường nhé, bởi sẽ có lúc bạn bị "đạo ý tưởng" hoặc "đạo văn" mà không hề hay biết và hình phạt dành cho lỗi này không hề nhẹ đâu.
(Ảnh: Internet)