Chẳng ai muốn bản thân rơi vào những hoàn cảnh éo le, ngàn cân treo sợi tóc cả. Nhưng ông bà xưa có câu “cẩn tắc vô áy náy”, đó cũng là lý do để bạn cần trang bị các kiến thức cùng kỹ năng thoát hiểm hữu ích dưới đây.
Giữ thói quen thường xuyên quan sát xung quanh

Khi đến nơi công cộng như rạp chiếu phim, sân vận động hoặc khu vui chơi khép kín nào đó, bạn hãy chú ý quan sát xem lối thoát hiểm nằm ở đâu. Bởi những sự cố bất ngờ như hỏa hoạn, động đất hoặc bạo lực có thể sẽ xảy ra và bạn không muốn mình trở nên quá lúng túng trong thời điểm đó đâu. Đối với những không gian không có lối thoát hiểm thì cửa sổ hoặc vị trí gần cửa ra vào chính là lựa chọn thay thế hoàn hảo.
Di chuyển theo đường thẳng

Theo bản năng, con người sẽ bỏ chạy khi cảm thấy nguy hiểm cận kề. Đây hoàn toàn là điều rất bình thường nhằm tự cứu bản thân thoát khỏi tình huống khó khăn. Và không nhiều người biết rằng khi bị hoảng loạn, chúng ta thường có xu hướng chạy thục mạng theo đường cong hoặc đường zik zak, trong khi đường thẳng mới giúp ta tiết kiệm sức lực và thoát được hiểm nguy một cách nhanh nhất.
Tìm phương án liên lạc ra bên ngoài
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn có thể tìm cách gọi điện thoại, ra hiệu với bất cứ ai gần đó… miễn là thông báo được cho người khác biết về vấn đề bạn đang gặp phải. Điều quan trọng nữa là cần đề cập đến vị trí cùng tình trạng của bạn đang như thế nào? Có bị thương không? Bạn gặp nạn một mình hay còn những ai? Như vậy thì người được thông báo mới nhanh chóng tìm cách hỗ trợ kịp thời.
Ẩn nấp, kéo dài thời gian

Nếu không thành công với phương án “tẩu vi thượng sách” thì người bị nạn cũng đừng vội hết hy vọng. Lúc này bạn cần bình tĩnh xem xét liệu có thể trốn được ở bất cứ vị trí nào không, đồng thời tìm cách chặn cửa bằng những vật nặng có thể có để ngăn cản nguy hiểm thêm chút nào hay chút ấy.
Điều này giúp bạn có thêm thời gian để tìm đường thoát an toàn, hoặc trang bị thêm “vũ khí” và ẩn nấp ở một vị trí khó tìm thấy và sẵn sàng đối mặt với kẻ xấu. Nếu may mắn thì biết đâu đấy, khi kẻ xấu đang loay hoay phá cửa thì đã có người khác phát hiện và đến ứng cứu kịp thời. Thêm một lưu ý quan trọng là vào thời điểm căng não này, những thiết bị gây ra tiếng động như điện thoại phải được vô hiệu hóa hoàn toàn.
Tìm vũ khí chống trả

Điều này đã được nhắc đến trong kỹ năng thứ ba, khi có thời gian thuận lợi thì ngay lập tức phải tìm kiếm bất cứ vật dụng có thể làm vũ khí để tự vệ, đồng thời chống trả quyết liệt nếu kẻ xấu có hành vi manh động. Trong trường hợp không có vật dụng dùng làm vũ khí được thì lúc này, hãy dùng tay và chân để chiến đấu hết sức vì mạng sống của chính mình.
Xem thêm: Cách nghe điện thoại an toàn khi ở ngoài đường
Mặc dù sự an toàn của chúng ta ngày một được đảm bảo nhờ những nỗ lực không ngừng của các tổ chức, cơ quan an ninh vậy nhưng việc chủ động đề phòng các tình huống nguy hiểm thì vẫn tốt hơn phải không các bạn?
Ảnh: Internet