09/19/2018 16:19

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt: Nguồn gốc và những điều cấm kỵ

Kim Phúc - Theo thethaovanhoa.vn Kim Phúc

Cứ nhằm ngày 12/8 âm lịch hằng năm tại nhà thờ tổ của danh hài Hoài Linh, các sân khấu kịch, phòng trà hay nhà riêng một số nghệ sĩ lại nô nức cúng tổ nghề với mong muốn được “tổ độ” thuận lợi trên con đường nghệ thuật.

Nếu trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm, nhiều người sẽ nô nức chờ đón Trung Thu thì đối với giới văn nghệ sĩ Việt lại tất bật chuẩn bị chu đáo cho lễ giỗ tổ ngành sân khấu, diễn ra vào ngày 12/8 âm lịch.

Nguồn gốc cúng tổ nghề sân khấu vào ngày 12/8 âm lịch hằng năm

Ông tổ nghề sân khấu là ai không nhiều văn nghệ sĩ biết rõ. Bởi xung quanh xuất thân của vị tổ nghề được giới nghệ sĩ thành kính có nhiều hơn một giai thoại. Người thì cho là hai vị hoàng tử nhưng người khác lại tin vào xuất thân ăn mày, ăn cướp,… của ông tổ ngành sân khấu.

Giai thoại thuyết phục nhất về ông tổ sân khấu có lẽ là về hai vị hoàng tử mê coi hát đến độ ôm nhau chết vì kiệt sức. Sau khi chết, do linh hồn của hai vị hiển linh về coi hát nên các nghệ sĩ đã lập bàn thờ và thành kính gọi là ông tổ nghề sân khấu. Đó là lí do vì sao trong các đoàn hát cải lương, trên bàn thờ thường đặt hai cốt gỗ nhỏ để tượng trưng cho hai vị hoàng tử. Ngày qua đời của hai vị rơi vào ngày 12/8 âm lịch nên từ đó về sau trở thành ngày giỗ tổ nghề của ngành sân khấu.

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

Lễ giỗ tổ nghề sân khấu diễn ra vào ngày 12/8 âm lịch hằng năm.

Còn về giai thoại ông tổ nghề xuất thân ăn mày, ăn cướp được giải thích là do thực tế người nghệ sĩ trên sân khấu phải hóa thân vào đủ các ngành nghề. Đó có thể là thợ rèn, thợ mộc nhưng cũng có thể là ăn mày, ăn cướp. Mỗi nghề được đem lên sân khấu đều đóng góp cho ngành sân khấu nên xứng đáng tri ân như nhau.

>> Tin Hot trước đó: Ngoài đền thờ Tổ 100 tỉ của Hoài Linh, sao Việt còn cúng Tổ ở đâu?

Các giai thoại được các bậc cha chú nghệ sĩ lưu truyền từ đời này sang đời khác nhằm dạy hậu bối phải biết thể hiện tấm lòng biết ơn, sự thành kính dành cho những nghề, những người đã góp công làm nên sự phát triển của ngành sân khấu. Thế nên mới có chuyện nhiều nghệ sĩ cúng tổ còn thể hiện sự biết ơn đến các văn nhân tài hoa bậc nhất ngành sân khấu như Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Soạn giả Trần Hữu Trang, NSND Năm Châu, NSND Phùng Há, NS Năm Phỉ, …

Việc cúng tổ nghề sân khấu bắt đầu từ các đoàn hát bội. Về sau, đoàn cải lương và đoàn kịch nói tiếp bước. Cho đến hiện tại, tập thể những văn nghệ sĩ từ giới người mẫu, ca sĩ, diễn viên, hoa hậu,… cũng thành kính khấn tổ trước khi biểu diễn. Và cứ vào ngày gần giữa tháng 8 âm lịch hằng năm, các văn nghệ sĩ dù bận bịu đến mấy cũng sắp xếp dành ra chút thời gian thành kính cúng tổ nghề.

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

Hiện tại không chỉ nghệ sĩ của các đoàn hát bội, kịch mà giới ca sĩ, diễn viên và người mẫu cũng thành kính cúng tổ nghề sân khấu vào dịp 12/8 âm lịch hằng năm.

Cách khấn tổ nghề sân khấu của giới văn nghệ sĩ

Không khó để nhận thấy bàn thờ tổ trong hậu trường các sân khấu lớn nhỏ. Xuất phát từ các đoàn hát bội khi đào, kép trước lúc ra diễn đều thành tâm khấn tổ cầu mong mọi sự “xuôi chèo mát mái” trên sân khấu. Trong vở diễn, nếu có cảnh có trẻ sơ sinh, cô đào sẽ xá ba xá để thỉnh một trong hai bức tượng vị hoàng tử mời ra sân khấu để góp mặt trong vở diễn. Vốn hai vị hoàng tử đều là trẻ con nên làm như vậy không hề phạm cấm kỵ. Ngược lại, trẻ con vốn ham vui nên việc thỉnh ông tổ sẽ giúp vở diễn của các đoàn hát bội được thuận lợi.

Về sau, các sân khấu kịch hay phòng trà đều có đặt bàn thờ tổ. Nghệ sĩ trước khi ra diễn sẽ khấn tổ cho việc hát xướng được suôn sẻ.

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

Hoàng Thùy Linh khấn tổ trước khi biểu diễn.

“Thực tế, ông tổ sân khấu là ông tổ vô danh. Người xưa đặt ra giai thoại về hai vị hoàng tử là để thần thánh hóa lên. Thờ ông tổ là thờ đứa bé mê hát bội. Họ coi ông tổ như đại diện cho khán giả. Đó cũng là cách biết ơn của nghệ sĩ đối với những người nuôi sống họ hằng đêm, không có gì phải giải thích theo kiểu thần thoại, hoang đường cả” - NSND Đinh Bằng Phi giải thích về lí do thờ ông tổ vô danh của ngành sân khấu.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều nghệ sĩ còn bày tỏ lòng thành kính, biết ơn những vị tài hoa xuất chúng đã góp không ít công sức cho ngành, đặc biệt là cải lương. Thế nên mới có chuyện, ngoài thờ hai vị hoàng tử nhiều nghệ sĩ cải lương còn thờ thêm Cao Văn Lầu, Trần Hữu Trang, NSND Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, …

Nghệ sĩ trước khi ra diễn trên sân khấu thường khấn tổ. Nội dung thì đa dạng nhưng chung quy, trong lời khấn nghệ sĩ sẽ nhắc đến các bậc Thánh, Hiền, Tổ, Sư, Thập nhị công nghệ và các bậc tài hoa có công cho ngành sân khấu để bày tỏ lòng biết ơn, thành kính.

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

Nghệ sĩ Thoại Mỹ tiết lộ nội dung lời khấn: “Thường trước khi ra sân khấu, tôi sẽ khấn hôm nay mình thể hiện vai gì và cầu cho tổ độ lúc nào cũng có sắc có hương, có danh có diện, để thể hiện tốt vai diễn của mình”.

Song song với việc khấn vái tổ nghề bằng lời, các nghệ sĩ còn có tục lệ đặt lên bàn cúng các đồ son phấn hay các món có liên quan đến sân khấu. Sau khi khấn tổ, các nghệ sĩ sẽ mang những món đồ đó về gọi là xin “lộc tổ” để sử dụng.

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

Vào ngày cúng tổ nghề sân khấu dịp 12/8 âm lịch hằng năm, các văn nghệ sĩ thường mang cúng heo quay, gà hay hoa quả,… và đề rõ nghệ danh bên ngoài.

Chuyện “tổ trác” và những điều cấm kỵ lưu truyền trong giới nghệ sĩ

Bên cạnh việc được “tổ đãi” thì trong giới nghệ sĩ còn truyền miệng về những chuyện “tổ trác” do phạm các kiêng kỵ hay nói gở, làm điều sai trái. Dù nghe có vẻ khó tin nhưng giới văn nghệ sĩ đều dặn lòng “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Mọi sự “tổ đãi” hay “tổ trác” đều do hành vi, thái độ của người nghệ sĩ mà ra.

Kể đến đây phải nhắc đến một nghệ sĩ rất tin tưởng vào sự hiển linh của tổ nghiệp - danh hài Hoài Linh. Lời nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng kể lại, khi nam danh hài ở Mỹ, có thời gian gặp nhiều khó khăn không có ai gọi đi diễn. Thế là Hoài Linh chắp tay khấn tổ: “Con không có tiền đóng tiền nhà, thanh toán bill (hóa đơn), cầu mong tam vị thánh tổ thương, phù hộ cho con” thì y như rằng các cuộc gọi của bầu show hải ngoại liên tục mời Hoài Linh diễn. Tên tuổi của nam danh hài cũng từ đó mà “phất lên như diều gặp gió”.

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

Danh hài Hoài Linh một lòng thành kính tổ nghiệp.

Những chuyện ly kỳ về Hoài Linh được "tổ đãi" còn rất nhiều. Một dạo khi quay Võ lâm truyền kỳ, danh hài Hoài Linh đã khiến cả đoàn làm phim kính phục khi tiên đoán như thần. Chuyện là, khi chỉ còn cảnh quay cuối cùng thì trời bất ngờ đổ mưa. Cả đoàn không biết phải làm gì "tiến thoái lưỡng nan". Danh hài liền gọi một nhân viên đi mua ngay chục bông huệ trắng và bó nhang về khấn vái. Khấn tổ xong, Hoài Linh phán như đinh đóng cột: “5 phút nữa trời tạnh mưa, phải quay nhanh trong 45 phút vì sau đó trời lại trút nước”. Quả nhiên, đúng như thế thật.

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

"Nếu tổ nghiệp cho tôi cái gì thì tôi sẽ trả hết để có chỗ thờ cúng theo tâm linh ông tổ sân khấu. Làm nghề 18 năm, lúc nào lòng tôi cũng hướng tới tổ nghiệp và đó cũng là niềm mơ ước của anh em nghệ sĩ" - Hoài Linh tâm niệm.

Nghệ sĩ Hoài Linh đi chân trần, tự tay dọn dẹp bàn thờ tổ sau ngày giỗ.

Nhiều năm đã trôi qua nhưng nghệ sĩ Thanh Hằng vẫn nhớ tai nạn năm nào khi đoàn cải lương Bông Sen Vàng đi diễn ở tỉnh. Xe chở các anh chị em bị đâm vào gốc cây. May thay, người trưởng đoàn ôm bức tượng tam vị thánh tổ nên anh em trên xe đều thoát khỏi kiếp nạn.

>> Xem thêm:

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng tin vào sự phù hộ, độ trì của tổ nghề dành cho anh em nghệ sĩ.

Hay như nghệ sĩ Thoại Mỹ kể lại có lần chị bị té gãy chân nhưng lại nói gở thế là không sao hát tròn vai được trên sân khấu. Nghe theo lời đàn anh Vũ Linh, chị thắp 3 cây nhang khấn tổ chuộc lỗi vì nói sơ xuất, chờ đến khi nhang tàn thì quả nhiên ra sân khấu hát được suôn sẻ ngay.

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

"Với các văn nghệ sĩ khi bị mất giọng, khàn tiếng hay gặp các vấn đề về sức khỏe, chỉ cần thành tâm khấn tổ thì không sao. Nhược bằng, nói năng sơ xuất mạo phạm đến tổ nghề thì kết cuộc sẽ rất khó lường, “tổ trác” ngay" - nghệ sĩ Kim Tử Long cho biết.

Ngoài việc tránh nói gở, nói tục, đùa giỡn hay huýt sáo thì người nghệ sĩ còn phải nhất nhất không được mang trái thị vào trong khu vực hậu trường. “Người ta cho rằng tổ nghiệp vốn là hai vị hoàng tử nhỏ tuổi nên nếu ngửi được mùi thơm của trái thị sẽ xao nhãng, không tập trung phù hộ cho nghệ sĩ nữa” - nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng lí giải.

Nghệ sĩ cũng phải tránh mang guốc vông để tranh phạm thượng vì gỗ cây vông được dùng làm tượng tổ. Thêm nữa, trống chiêng trên sân khấu người nghệ sĩ cũng không được đụng đến.

Chuyện cúng tổ nghề sân khấu hằng năm của giới văn nghệ sĩ Việt

Các anh em nghệ sĩ nhiều lĩnh vực tề tựu đông đủ trong lễ giỗ tổ ngành sân khấu.

Cúng tổ nghề sân khấu là thông lệ hằng năm của giới văn nghệ sĩ như một dịp để các anh chị em trong giới được tề tựu và cùng nhau thành tâm khấn tổ cầu cho mọi sự thuận lợi, hanh thông. Suy cho cùng, lễ giổ tổ nghề sân khấu chính là dịp nhắc nhở các hậu bối truyền thống “uống nước nhớ nguồn” - lời dạy của ông cha từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

Mời bạn cùng đón xem phần 2: Nhiều nghệ sĩ đặt bàn thờ tại tư gia, riêng Hoài Linh tự xây nhà thờ tổ 100 tỷ tại đây!

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan

Video có thể bạn quan tâm
Stylist Trần Đạt chấp nhận nghe theo ý kiến từ công chúng và khách hàng
Scroll to top