Con phải tuyệt đối nghe lời lớn, không được cãi, nhớ chưa!

Nếu bảo một đứa trẻ nên tuyệt đối nghe lời người lớn. Nghe từ "người lớn" thì chúng sẽ lập tức nghĩ rằng, tất cả "người lớn" đều là người tốt. Điều này rất nguy hiểm vì khi có người lớn (lạ) nhờ hoặc đưa bé đi đâu đó bé cũng sẽ không có sự phòng vệ vì bố đã nói "tuyệt đối nghe lời người lớn".
Còn nếu nói "con phải ngoan và nghe lời bố mẹ" thì con sẽ hiểu được chỉ có bố mẹ mới là những người lớn an toàn, bé sẽ có ý thức và sẽ e dè, đề phòng trước những người khác, không phải là bố mẹ của mình.
Đừng khóc nữa!!
Nếu bạn cứ ra lệnh "Đừng khóc nữa" thì thực sự các bé sẽ bị tổn thương rất nhiều và bé cũng không thể nín khóc đột ngột ngay được vì sẽ còn nhiều ấm ức trong lòng.
Đừng bao giờ làm tổn thuơng con như vậy, thay vào đó bạn hãy đóng vai trò là người bạn của con. Chia sẻ nỗi buồn và những điều khó nói "Tại sao con khóc?", "Ai làm con buồn?", "Con có tâm sự gì à, kể bố/mẹ nghe được không?" - như vậy, bé sẽ cảm thấy được an ủi vì có người hiểu mình.
Đừng có mà tham lam
Nếu như bạn cứ yêu cầu bé lớn nhường đồ chơi cho bé nhỏ thì đó là một cách dạy con sai lầm. Vì lâu dần cậu em sẽ hình thành tính cách ỷ lại vào mẹ, muốn gì được nấy và không coi ai ra gì. Còn cậu con trai lớn sẽ có những suy nghĩ chống đối, "tại sao mình cứ phải nhường nhịn và hi sinh?".
Cách tốt nhất là bạn nên dạy con cách chia sẻ lẫn và chơi chung với nhau, không nên tranh giành, cãi cọ.

Ai dạy con làm cái trò này đấy?
Nếu bạn nói với con câu này, có thể sẽ tập cho bé thói quen đổ lỗi cho người khác. Bạn phải tập cho con mình chịu trách nhiệm trước những việc mình làm và phải biết nhận lỗi khi làm sai điều gì đó.
Thay vào đó bạn hãy nói "Tại sao con làm như vây", "Con có hiểu những gì mình làm không?", đây cũng là cách để con bạn có thể giải thích những hành động của bé, có khi bạn sẽ thấy được khả năng và sự sáng tạo của con mình nữa đấy.
"Nhìn bạn mà học hỏi nè"
Khi nghe câu này, lòng tự ái của bé sẽ trỗi dậy, bé sẽ nghĩ là mình không giỏi bằng bạn và có cố gắng thế nào cũng không được. Từ đó con bạn sẽ ngày càng rụt rè và tự ti trước bạn bè đồng trang lứa.
Bạn đừng nên chê bai con, hãy nói lên ưu điểm và chỉ ra khuyết điểm để bé biết mình còn thiếu sót chỗ nào và sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân.

"Về nhà mẹ sẽ nói chuyện với con"
Nghe được câu này, bé không biết mình đã làm sai điều gì mà khiến mẹ giận dữ như vậy. Như thế dần dần, bé sẽ sợ khi trở về nhà, điều này sẽ ảnh hưởng tâm lí của con bạn khi lớn lên. Chúng chỉ thích đi với bạn bè, chơi bời ngoài đường mà ít khi trở về nhà đúng giờ để ăn cơm cùng gia đình vì sợ bố mẹ sẽ trách mắng.
Thay vào đó bạn hãy để cho con biết mình đang giận như thế nào, con đã làm sai điều gì. Bạn phân tích cho bé hiểu, sau đó, cả hai cùng vui vẻ trở lại sau khi bé đã nhận lỗi sai về mình.
"Con nít, không được hỏi nhiều"
Đây là lứa tuổi khám phá thế giới xung quanh nên bé sẽ có "hàng vạn câu hỏi vì sao" khiến bố mẹ phải đau đầu. Tuy nhiên, bạn cũng nên cố gắng giải thích cho bé hiểu, nếu bạn không trả lời, bé sẽ đi tìm người khác để hỏi và lâu dần, trong mắt con, bạn không còn là "người hùng biết tuốt" nữa. Mọi thắc mắc, tâm sự con đều giấu kín và không kể cho bạn nghe. Trường hợp bạn không trả lời được thì nên hẹn lại với con, rồi sau đó tìm hiểu thông tin và giải đáp một cách chính xác nhất nhé.

Trẻ con đang ở độ tuổi học hỏi, khám phá thế giới và đang dần thể hiện cái tôi của riêng mình. Các bậc phụ huynh phải vô cùng khéo léo để làm bạn với con, không nên quát nạt, ép buộc hay ra lệnh. Bởi những lời nói tưởng như vô tình nhưng cũng sẽ khiến các bé cảm thấy bị tổn thương và dần có khoảng cách với cha mẹ đấy!