05/29/2017 16:21

Mẹo hay giúp bạn bỏ thói quen xấu và tập được thói quen tốt

Hồng Kỳ - Theo thethaovanhoa.vn Hồng Kỳ

Con người thường có xu hướng mau nản và thiếu động lực. Tuy nhiên, khi việc gì đó đã trở thành thói quen, bạn chỉ cần nỗ lực ít hơn mà vẫn duy trì được hiệu quả tốt.

Để hình thành một thói quen mất bao lâu? Tùy theo bạn muốn thói quen hóa việc gì, nhưng trung bình bạn cần thời gian tối thiểu 30 ngày, được chia làm 3 giai đoạn:

TỪ NGÀY 1 ĐẾN NGÀY 7

Thời kì phản kháng: Lúc nào bạn cũng có tâm lý muốn bỏ cuộc. Đây là thời kỳ cam go nhất. Giai đoạn này rất quan trọng, bạn cần buộc bản thân mình dù thế nào cũng phải vững vàng, bất luận thành quả ra sao. Chỉ cần cố vượt qua chính mình thì bạn đã chiến thắng bước đầu tiên rồi đấy. Cụ thể phải làm sao?

Giải pháp 1 - Bắt tay từ việc nhỏ: "Vạn sự khởi đầu nan", nếu muốn tập thói quen đi bộ 1 giờ/ngày, bạn có thể bắt đầu từ việc đi nhanh 15 phút, rất nhiều người đã có trải nghiệm này. Nếu muốn viết một kế hoạch cho doanh nghiệp dày 50 trang, chỉ cần bạn làm được phần bìa và mục lục thì những động tác sau đó sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Hãy đem vấn đề khó khăn chia ra thật chi tiết về thời gian, các bước, các mục và hoàn thành tốt từ những điểm dễ nhất, đơn giản nhất. Khi đó, bạn sẽ có động lực và hứng thú để kiên trì tiếp tục.

Bestie dung tu bo

"Đừng từ bỏ, bước khởi đầu luôn luôn là bước khó nhất."

Giải pháp 2 - Mỗi ngày kiểm tra thành quả: Dùng cách đơn giản nhất, thoải mái và tiện lợi nhất để ghi chép lại thành quả mà bạn đã thực hiện được, chẳng hạn như dùng điện thoại, sổ tay. Sau đó, bạn thường xuyên xem lại tiến độ mỗi ngày để nắm bắt khoảng cách giữa mục tiêu và hành động thực tế nhằm cổ cũ tinh thần cho chính mình. Khi trông thấy mình từng bước một tiến gần đến mục tiêu, bạn sẽ cảm thấy có động lực và sự tự tin cũng tăng cao.

TỪ NGÀY 8 ĐẾN NGÀY 21

Thời kì bất ổn: Sau khi vượt qua tuần đầu tiên, bạn thường thả lỏng mình. Chưa kể khi bước qua giai đoạn thứ hai, bạn có thể gặp phải những việc xảy ra đột ngột. Ví dụ một dự án mới của công ty khiến bạn phải tăng ca đến 22 giờ và không thể tham gia lớp yoga như đã định hoặc việc vui chơi thâu đêm khiến bạn không thể dậy sớm chạy bộ vào sáng hôm sau.

Giải pháp 1 - Định kỳ hóa thói quen: Hãy tiến hành thực hiện từng thói quen mà bạn muốn tập trong thời gian, địa điểm cố định hàng ngày với một cách làm thống nhất, biến chúng trở thành một "nhịp điệu" cố định trong sinh hoạt của bạn. Nó sẽ dần dần đi sâu vào tiềm thức của bạn. Ví dụ nếu bạn thức dậy đều đặn vào lúc 7 giờ mỗi ngày thì đến cuối tuần, bạn cũng thường giật mình tỉnh giấc lúc 7 giờ.

Bestie linh hoat thoi gian

Hãy sử dụng thời gian của mình thật linh hoạt để đảm bảo mục tiêu bằng những cách khác nhau.

Giải pháp 2 - Xây dựng cơ chế ứng phó linh hoạt: Trong cuộc sống khó tránh những chuyện ngoài ý muốn làm phá hỏng các kế hoạch đã dự định. Ví dụ như những việc công, tư khiến bạn bỏ lỡ nhều buổi tập yoga. Điều này làm cho bạn dễ bị đánh bại bởi cảm giác "hết cách" và không thể kiên trì tiếp tục nữa. Vì vậy, việc "định kỳ hóa" thói quen là quan trọng, nhưng bạn phải nghĩ đến việc ứng phó trong tình huống ngoài dự định. Nếu không thể đến lớp yoga đúng giờ, bạn có thể tự tập tại nhà hoặc tập bù vào một buổi học khác. Quan trọng là bạn luyện cho mình cách ứng phó linh hoạt.

TỪ NGÀY 22 ĐẾN NGÀY 30

Thời kì đuối sức: Bạn sẽ cảm thấy chán nản, hoài nghi. Ở giai đoạn cuối cùng của quá trình "thói quen hóa", bạn sẽ luôn cảm thấy phiền phức và mất kiên nhẫn bởi ý niệm: "Ngày nào cũng như thế, thật vô vị", thậm chí còn nghi ngờ: "Làm thế này rốt cuộc có ý nghĩa hay hiệu quả không nhỉ?". Hãy áp dụng các kiểu sau:

Giải pháp 1 - Sáng tạo "trò" mới: Lúc này, bạn có thể thêm một vài thay đổi mới cho thói quen mình đang tập. Ví dụ bạn thường ngồi vào bàn học từ vựng tiếng Anh, hãy thử đổi địa điểm học. Bạn thường chạy bộ ở con đường quen thuộc, hãy chuyển sang con đường khác hoặc có thể vừa chạy vừa nghe nhạc... Chỉ cần một chút thay đổi nhỏ đã có thể giúp bạn tăng thêm cảm giác mới mẻ, thú vị mà vẫn giữ được hoạt động vốn có.

Bestie bau troi trong xanh

Làm sao nhìn thấy bầu trời trong xanh nếu bạn cứ ôm mãi vùng an toàn của mình?

Giải pháp 2 - Vận dụng cơ chế tăng cường: Đó là việc tự thưởng để khích lệ bản thân, sự khẳng định khen ngợi từ người khác, những trò chơi thú vị hay một mục tiêu lý tưởng. Nếu bạn đã có thể thức dậy sớm, hãy thưởng cho mình một bữa sáng thịnh soạn; tham gia "hội những người dậy sớm trên Facebook"; cùng đồng nghiệp chơi "trò chơi" ai quẹt thẻ trước; sưu tập câu chuyện của những danh nhân liên quan đến thói quen bạn đang tập để lấy đó làm mục tiêu cho mình. Những cơ chế tăng cường như thế đều có thể tăng thêm động lực giúp bạn kiên trì hơn.

Kỷ luật bản thân là một trong những nền tảng giúp bạn đạt mục tiêu và hoàn thiện mình. Thiết lập một thói quen tốt cũng đồng nghĩa bạn đã xóa sổ được vô số thói quen xấu, điều này chỉ tốt chứ không có hại. Huống chi như đã nói ở đầu bài, việc luyện tập thành thói quen sẽ giúp bạn không cần phải nỗ lực quá nhiều, chẳng cần quá vật vã cố gắng mà vẫn đạt được mục tiêu. Thay đổi thói quen là thay đổi bản thân. Điều này rất khó nhưng bạn có làm được thì bạn mới khác mọi người. Thành công là phải khác, phải đặc biệt. Chúc bạn thành công.

Video có thể bạn quan tâm
Stylist Kye Nguyễn: Ngọc Trinh rất hiền và không có đời tư phức tạp"
Scroll to top