Chụp ảnh đồ ăn có lẽ là nhánh nhiếp ảnh phát triển nhanh nhất, nhờ vào sự phổ biến của blog, smartphone và những show truyền hình về nấu nướng. Ngoài mục đích khoe những bức hình món ăn hấp dẫn khi đi ăn cùng bạn bè, chụp hình món ăn còn phục vụ cho nhu cầu khá thực tế của những quán hàng ăn uống muốn quảng bá sản phẩm của mình.
Vậy làm sao để có được những bức hình chụp đồ ăn ngon mắt, hấp dẫn người xem từ vị giác tới thị giác? Bài viết dưới đây sẽ mách bạn một số kĩ thuật khi thực hiện kiểu chụp hình này.

1. Sử dụng ánh sáng tự nhiên
Trong nhiếp ảnh, ánh sáng là yếu tố cự kì quan trọng. Để món ăn của bạn có nhiều màu sắc và độ tương phản tốt, hãy chọn lựa vị trí gần cửa sổ hoặc ngoài trời để nhận được lượng ánh sáng đầy đủ cho bức ảnh bạn sẽ chụp.

2. Đừng dùng đèn flash
Bạn đừng dùng flash khi chụp ảnh thức ăn. Dồn ánh sáng quá nhiều vào chỗ nào đó làm mất đi nét đẹp tự nhiên của món ăn. Trừ khi bạn là có phòng chụp riêng với đèn chiếu phù hợp, tốt nhất là không nên dùng đèn flash của máy ảnh.

3. Bố cục và màu sắc
Nếu bạn muốn tập trung vào món ăn mình muốn truyền tải thì nên sắp đặt bố cục đơn giản tránh những chi tiết rắc rối, rườm rà xung quanh. Màu sắc có độ tương phản cao sẽ giúp món ăn tăng phần nổi bật.

4. Chén dĩa và các vật dụng trang trí
Dựa trên công thức nguyên liệu làm nên món ăn để tận dụng làm các vật trang trí. Chọn chén dĩa có màu sắc, hình dạng phù hợp với món ăn, sử dụng những loại rau củ tươi ngon nhất, có thể xịt lên một ít nước hay quét thêm một ít dầu ăn để chúng giữ được độ tươi lâu hơn.

5. Bày biện món ăn
Khi hoàn thành một món ăn bạn cũng nên chú ý đến quá trình bày biện và hình thức của món ăn. Điều này vừa kích thích thị giác lẫn vị giác của người nhìn. Một tô phở sẽ ngon hơn nếu được điểm thêm những lát cà chua, một chút rau thơm…

6. Chế độ chụp
Chọn chế độ chụp phù hợp cũng sẽ giúp bạn có những shot hình đẹp và ngon mắt hơn. Màu xanh lá và xanh da trời sẽ được nổi bật hơn với chế độ landscape còn chế độ standard sẽ khiến màu đỏ và vàng được nhấn mạnh.

7. Tìm góc độ tốt nhất
Một số món ăn có màu đẹp, nổi bật khi chụp trực diện từ trên xuống, nhưng có những món ăn dạng khối (ví dụ bánh ngọt nhiều tầng) thường được chụp từ góc thấp hơn, khi đó sẽ thấy độ khối, màu sắc món ăn.

8. Lựa chọn tiêu điểm
Trên cả một bức hình, chỉ cần tập trung vào một điểm trên đồ ăn cũng có thể giúp bức hình được độc đáo hơn, ống macro hay ống kính dài với khẩu độ rộng sẽ giúp bạn có được hiệu quả chân thực. Nếu bạn sử dụng smartphone hoặc máy ảnh compact có thể chọn chế độ chân dung hoặc macro.

9. Không hoàn hảo đôi khi là tốt
Nếu bạn lấy một lát bánh ra và có vài vụn bánh rơi xuống mặt bàn, thì bạn có thể cứ để như vậy. Một chút xíu lộn xộn rơi vãi có thể tăng thêm độ quyến rũ và chân thực của món ăn. Đôi khi hoàn hảo, chau chuốt cứng nhắc tạo cảm giác xa cách với độc giả.

10. Chụp món ăn khi còn bốc khói
Món ăn với làn khói mỏng bốc lên cũng giúp tạo cảm giác hấp dẫn hơn đấy, đừng quên chụp món ăn khi chúng còn nóng hổi nhé!

Diên Vỹ (Tổng hợp)