Khi chào đời, thức ăn chính của bé là sữa mẹ. Nếu sữa mẹ không đủ, cần bổ sung thứ giống với sữa mẹ nhất - sữa công thức. Việc bổ sung này khác với cho ăn dặm, khi thức ăn chính (sữa mẹ, sữa công thức) được thay thế bằng những thức ăn khác, để bé dần làm quen với lối sống người lớn.
Khi bé được 6 tháng tuổi trở đi, đây là thời điểm có thể cho bé ăn dặm, rất nhiều bậc cha mẹ lúng túng về phương pháp cho trẻ ăn dặm như thế nào là đúng, làm thế nào để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

Mẹ của bé Sóc (Quận 7, TP.HCM) cũng hoang mang khi bà ngoại và các mẹ trên mạng lại cung cấp hai luồng thông tin khác nhau trong việc cho bé ăn dặm: "Bé nhà em đã được 4 tháng rưỡi rồi. Bé mút tay nhiều và cũng chăm chú nhìn mọi người ăn lắm. Thi thoảng em cho chút đồ ăn của mình vào đầu lưỡi để bé nếm thử thì có vẻ bé thích thú. Cổ bé đã giữ được đầu rồi nhưng thi thoảng vẫn hơi ngật ngưởng chút nên em cũng chưa có ý định tập ăn dặm cho bé.
Tuy nhiên, từ khi em đi làm lại thì sữa của em ít hẳn đi, bé uống thêm sữa ngoài lại có biểu hiện chê sữa mẹ nên em định tập cho bé ăn dặm chứ không dùng sữa ngoài nữa. Dù sao thì trước 6 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn tốt nhất cho con mà. Hơn nữa có trì hoãn thêm thì đến khi tròn 5 tháng cũng vẫn phải tập ăn dặm cho bé. Vì vậy em muốn được tư vấn về vấn đề này.
Theo em biết thì thường các cụ hay xay gạo rồi nấu bột cho con, nhưng em thấy nhiều mẹ chia sẻ kinh nghiệm là nấu cháo xong xay ra cho bé ăn. Rốt cuộc thì nên theo cách nào ạ? Xin hãy tư vấn giúp em, xin cám ơn!"
Khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm nghĩa là khi đó, sữa mẹ không đủ để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của bé. Vì vậy, mẹ cần cho bé chuyển từ bú mẹ hoàn toàn sang chế độ tập ăn bổ sung kết hợp với sữa mẹ để bé có thể phát triển khỏe mạnh và tránh các tình trạng suy dinh dưỡng hay còi xương...
Giai đoạn trẻ từ 6 tháng trở đi các vi chất trong sữa mẹ như sắt và các yếu tố vi lượng khác như canxi, kẽm giảm dần trong khi đó các nhu cầu về sắt, kẽm… cho bé trong giai đoạn này lại tăng cao. Nếu chỉ cho bé bú mẹ bé sẽ thiếu chất - đặc biệt là sắt và có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu ở trẻ.
Ăn dặm (ăn bổ sung) là một quá trình quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, đây cũng là thời kỳ bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ có chiều hướng gia tăng cao nhất. Ăn dặm - bữa ăn đầu đời giúp cho bé hình thành thói quen ăn uống sau này.
Mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn cho bé ăn bột hoặc ăn cháo xay tùy vào quỹ thời gian cũng như điều kiện của gia đình. Nếu là bột, mẹ nên quấy từ 10 phút trở lên để đảm bảo bột chín, tránh tuyệt đối việc trộn các loại hạt như đậu xanh, gạo nếp… và dù ăn cháo xay hay ăn bột, mẹ cũng cần đảm bảo cho bé các nguyên tắc sau:
Một bữa ăn của trẻ cần đầy dủ 4 dưỡng chất cần thiết.

Nhóm tinh bột:
- Bao gồm: Gạo, khoai tây, khoai sọ…
- Không nên cho trẻ ăn thêm các loại thực phẩm khác như: Hạt sen, đậu xanh, gạo nếp… vào bột của trẻ.

Nhóm cung cấp chất đạm:
- Bao gồm: Thịt, cá, trứng, hải sản…
- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm thì nên cho trẻ ăn thịt nạc và trứng.
- Từ tháng thứ 7 trở đi thì nên tăng cường thêm các loại hải sản, ăn ít nhất 3 bữa 1 tuần và có 1 bữa cá béo.

Nhóm chất béo:
- Bao gồm: Dầu và mỡ.
- Nên cho trẻ ăn xen cả dầu thực vật và mỡ động vật.

Nhóm cung cấp chất xơ và Vitamin:
- Bao gồm các loại rau, củ, quả.
- Không nên cho cả rau và củ vào bột của trẻ.
- Không nên dùng quá nhiều muối và gia vị khi chế biến thức ăn cho bé.
- Nên cho rau vào sau cùng khi sắp nhắc nồi bột ra khỏi bếp.
Ngoài ra mẹ cũng nên lưu ý những điều sau khi cho bé ăn:
- Ăn từ ít tới nhiều.
- Ăn từ loãng tới đặc.
- Nấu đúng cách ngay từ đầu, phối hợp các chất đạm thịt, trứng, cá… cho trẻ. Cho trẻ ăn nhiều món khác nhau.
- Tập cho trẻ ăn đặc khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, ban đầu cho trẻ ăn loãng 1,2 bữa sau đó có thể cho trẻ ăn đặc hơn.
Trên thị trường có rất nhiều sách hướng dẫn cho bé tập ăn dặm, mẹ cũng nên tham khảo thêm những sách này nhé. Chúc mẹ và bé tập ăn dặm thành công.
Theo chị Hương Thu - Chuyên viên tư vấn tâm lý, đào tạo của Viện nghiên cứu giáo dục/SKCĐ