Bổn phận làm con ai cũng muốn báo hiếu cho cha mẹ và lo lắng cho gia đình, thế nhưng cần phải dung hòa khéo léo giữa việc ổn định tài chính và tình cảm gia đình để không gây bất hòa giữa nhà chồng và vợ, nhất là mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu.

"Vợ chồng tôi đều có việc làm ổn định, chưa có con vì tôi cũng không muốn có con sớm. Chồng tôi là con cả, sau anh còn có một em trai và một em gái. Cả bố mẹ chồng và hai em đều sống ở quê, bố mẹ chồng làm nông, em trai chồng thì đang học nghề, còn em gái sang năm sẽ tốt nghiệp 12. Chồng tôi rất thương gia đình, tôi biết điều này không sai. Anh có thương gia đình mình thì chứng tỏ anh là người tình cảm và trân trọng gia đình - điều mà tôi rất tự hào về chồng. Nhưng tôi vẫn không vui khi hở ra một tí là anh lại mang tiền hai vợ chồng dành dụm về cho gia đình mỗi khi ở quê yêu cầu. Dù đó là việc lớn hay việc nhỏ thì anh cũng đều nhúng tay vào. Chúng tôi cưới nhau đã 3 năm nhưng chưa đủ tiền trả đợt đầu mua nhà vì anh cứ mang tiền về quê suốt. Khi thì xây nhà cho bố mẹ, khi thì trả nợ cho em trai mua dụng cụ học hành, khi thì giúp em gái đóng tiền học. Tôi không phải trách anh mang tiền về giúp gia đình, mà là tôi nghĩ em trai đã lớn cũng nên suy tính việc đi làm (em trai chồng đã học 2-3 nghề đều nói không thích hợp khi học xong, dù tôi và chồng đã đóng rất nhiều tiền học cho em ấy mà em ấy đều không có động thái muốn làm việc.). Năm sau em gái anh phải thi Đại học và nếu thi đậu thì sẽ vào sống cùng vợ chồng tôi, trong khi chúng tôi chỉ đang thuê phòng trọ nhỏ chẳng có không gian riêng, nếu ở chung không biết chuyện phòng the vợ chồng thế nào. Tôi càng nghĩ càng đau đầu, cũng chưa biết mở lời với chồng ra sao vì sợ anh cho rằng tôi ích kỷ. Tôi phải làm sao?". - Bạn Thái Phiên (26 tuổi) bức xúc chia sẻ.
Vấn đề bạn đặt ra cũng là vấn đề mà đa phần các cặp vợ chồng trẻ đều phải đau đầu để giải quyết, nhất là với vị trí một người vợ. Với trường hợp chồng bạn hiện lại đang là con trai lớn trong gia đình nên trách nhiệm cũng vì thế mà to lớn hơn.
Để xử lý vấn đề này, bạn cần khéo léo với một số gợi ý như sau nhé:
- Đối với tài chính gia đình, bạn cần quy hoạch rõ ràng các vấn đề cũng như mức độ ưu tiên giải quyết của các vấn đề và tổng kết lại với chồng trong một dịp gần nhất và lên phương án để hai vợ chồng cùng thực hiện.
- Ghi chép chi tiêu: Đây là một cách hay để phân tích xem việc chi tiêu mỗi tháng các khoản đang ở mức nào? Trước hết hãy bắt nguồn từ việc chi tiêu trong gia đình nhỏ, sau đó làm với cả các việc lớn hơn liên quan đến các khoản mà chồng bạn đã chi tiêu, bao gồm cả việc lo cho gia đình nhà chồng. Cuối mỗi tháng có thể báo cáo và cùng chồng lập kế hoạch chi tiêu cho tháng mới. Trong trường hợp cần thiết, bạn nên sử dụng tiền đúng cách nhờ sự hỗ trợ đến từ những chiếc phong bì. Ngay từ đầu tháng khi lập kế hoạch chi tiêu, hai vợ chồng bạn nên phân chia các khoản tài chính bắt buộc phải hoàn thiện trong tháng để có kế hoạch và cân nhắc khi chi tiêu những khoản nhỏ cho gia đình cũng như cho người thân.

Lập quỹ tiết kiệm trước cho con: Có rất nhiều hình thức tiết kiệm cho con mà bạn có thể bắt đầu sử dụng. Trước khi lập quỹ hãy lên kế hoạch có con và kéo theo đó là kế hoạch về tài chính cho con để chồng bạn có sự trợ giúp cụ thể.
Đối với bố mẹ chồng: Mỗi lần bạn về nhà chồng chơi, ngoài quà cáp để ghi điểm trong mắt bố mẹ chồng, bạn nên tâm sự các kế hoạch của hai vợ chồng hay những lo lắng về tài chính khi có con. Vừa rút ngắn khoảng cách với gia đình chồng lại vừa làm gia đình chồng hiểu hơn về cuộc sống cũng không dư dả của gia đình bạn.
Đối với em trai và em gái của chồng: bạn hãy cùng chồng gánh vác trách nhiệm là con trai cả, quan tâm, chăm sóc và giúp các em định hướng, tin là bạn sẽ làm tốt mảng này vì bạn cũng suy trước tính sau rất nhiều trước khi quyết định, đúng không?
Cuối cùng, xin chúc bạn cùng gia đình có nhiều niềm vui, hạnh phúc và giải tỏa được các vấn đề tiền bạc trong cuộc sống.
Theo chị Hương Thu - Chuyên viên tư vấn tâm lý, đào tạo của Viện nghiên cứu giáo dục/SKCĐ