Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất trong thai kỳ. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai sẽ khiến chị em cảm thấy buồn nôn, thậm chí nôn ói và gặp nhiều vấn đề khó chịu khác như đau lưng, phù nề... Tình trạng mệt mỏi diễn ra thường xuyên nhất ở 3 tháng đầu và cuối thai kỳ. Một vài mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi suốt thai kỳ và dấu hiệu này dường như không hề có xu hướng thuyên giảm. Vậy có cách nào để giảm đi những triệu chứng mệt mỏi khi mang thai?

Đây cũng là thắc mắc chung của một số mẹ bầu, nhất là các mẹ mang thai lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm. Mẹ bầu Nam Phương (24 tuổi, Vũng Tàu) tâm sự như sau: “Tôi đang mang thai cháu đầu tiên được 5 tháng. Trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ, tôi may may mắn không bị nôn ói hoặc kén ăn như các mẹ bầu khác mà chỉ bị nghén ngủ. Tôi có thể ngủ bất cứ lúc nào, nằm cũng ngủ mà ngồi cũng ngủ. Đến tháng thứ 4 trở đi thì tình trạng này giảm đi, thay vào đó tôi bị đau lưng rã rời, phải nói là đau như lưng mình gãy ra từng đoạn vậy. Tôi chẳng có được giấc ngủ ngon, vô cùng mệt mỏi. Được biết hiện nay có nhiều dịch vụ massage cho bà bầu rất hấp dẫn nhưng tôi cũng hơi lo lắng khi mẹ chồng bảo “Chẳng ai đời có bầu mà đi massage, muốn hư thai à?”. Tôi không phải chê mẹ chồng lo xa nhưng thiết nghĩ, nếu nguy hiểm thì sao có nhiều bà bầu cũng đi massage? Tôi muốn hỏi, thực sự việc massage khi mang bầu có ích như họ quảng cáo hay không? Đặc biệt là có giảm đau lưng không?”
Bạn thân mến, massage khi mang thai hoàn toàn không nguy hại đến sức khỏe của mẹ và bé nếu như được massage đúng cách. Ngày nay, massage bầu là một “bài thuốc tinh thần” cực kỳ hữu hiệu vừa giúp cho mẹ giảm đau, thư giãn, trị cảm cúm mà lại vừa giúp tăng cường sự trao đổi chất giữa mẹ và bé thông qua các động tác xoa bóp nhẹ nhàng.
Tùy theo sự đau nhức và mệt mỏi mà các mẹ bầu có thể đi massage hoặc massage tại nhà, có thể 1 tuần / 1 lần hoặc mỗi ngày 1 lần đều không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Massage thông thường có hai loại: thư giãn và trị liệu. Với bà bầu, chỉ nên thực hiện các bài massage thư giãn với những động tác xoa bóp, vuốt, kéo dài một cách nhẹ nhàng và thuần thục, điều này giúp thả lỏng cơ thể.
Tuyệt đối không thực hiện bấm huyệt để tránh tạo những cơn co thắt. Hai vùng nhạy cảm là ngực và bụng không nên massage vì sẽ tạo ra cơn gò tử cung gây nguy hiểm cho thai nhi.
Tuy nhiên, trong trường hợp không thể đến spa, bạn có thể thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng với sự trợ giúp của người thân như sau: Người thân có thể dùng tay, xoa bóp nhẹ nhàng từ vai xuống lưng và xoa dần xuống vùng hông, thắt lưng. Động tác nhẹ nhàng, chậm rãi kèm với dầu nền thiên nhiên như dầu dừa, dầu oliu. Sau vùng lưng, bà bầu nằm ngửa hoặc nằm nghiêng miễn sao có được cảm giác thoải mái nhất để massage chân. Nên tiến hành từ phía trước ra phía sau.
Quan trọng nhất của massage chân cho bà bầu là xoa bóp kỹ các khớp cổ chân, các ngón chân và gan bàn chân. Việc này giúp máu lưu thông dễ hơn, giảm cảm giác phù nề do máu bị dồn xuống phần chân do quá trình mang thai mang lại. Để hoàn tất quá trình massage, bạn hãy massage tay tương tự như tiến hành với bàn chân của mình.

Tập yoga bầu cũng giúp các mẹ hết đau lưng và có giấc ngủ ngon hơn.
Ngoài ra, các mẹ bầu cũng có thể áp dụng các phương pháp dưới đây để tạo cảm giác thư giãn, yêu bản thân mình hơn trong thời gian mang thai đó là cách thể hiện tình yêu với cục cưng trong bụng:
- Dành thời gian đọc sách về chăm sóc sức khỏe và chế độ dinh dưỡng khi mang thai.
- Không tham gia vào bất cứ thứ gì mà bạn cảm thấy có hại cho bản thân và cho đứa con mình.
- Không nên đứng trong khoảng thời gian dài.
- Hãy uống nhiều nước.
- Hãy nghe những bản nhạc hay nhẹ nhàng.
- Giảm tối đa những căng thẳng trong công việc.
- Tập yoga bầu cũng là một phương pháp hữu hiệu giúp giảm đau lưng đáng kể và cho bạn một giấc ngủ sâu.
Các mẹ bầu cần duy trì một cơ thể khỏe mạnh, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp để chống lại mệt mỏi, căng thẳng trong suốt thời gian thai kỳ để chuẩn bị chào đón thiên thần nhỏ nhé.
Theo Eva